Hà Nội: Hơn 200 đại biểu dự hội nghị nâng cao kiến thức về CPTPP

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Thủ đô cập nhật thông tin về chính sách pháp luật mới, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong điều kiện hội nhập quốc tế. Vừa qua, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương tổ chức Tập huấn 'Phổ biến Thông tư 03/2019/TT-BCT quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP'. Hơn 200 đại biểu đại diện các doanh nghiệp, Hiệp hội, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội tham dự.

Mới đây Bộ Công Thương cũng vừa chính thức ra mắt chuyên trang riêng về CPTPP nhằm giúp các doanh nghiệp nắm bắt kịp thời thông tin, quy tắc trong Hiệp định

Mới đây Bộ Công Thương cũng vừa chính thức ra mắt chuyên trang riêng về CPTPP nhằm giúp các doanh nghiệp nắm bắt kịp thời thông tin, quy tắc trong Hiệp định

Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được phê chuẩn và có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/01/2019. Với tinh thần khẩn trương thực hiện các cam kết tại Hiệp định, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 03/2019/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ trong Hiệp định CPTPP.

Tại buổi tập huấn, lãnh đạo phòng Xuất xứ hàng hóa – Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã thông tin tới các DN về các nội dung như: Hướng dẫn tra cứu quy định về xuất xứ hàng hóa tại Hiệp đinh CPTPP và tại Thông tư số 03/2019/TT-BCT; các quy định về xuất xứ trong CPTPP được nội luật hóa tại Thông tư số 03/2019/TT-BCT; nội dung Thông tư số 03/2019/TT-BCT quy định thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP…

Theo đó, Thông tư 03 có 5 chương, 33 điều và 9 phụ lục kèm như sau: quy định chung; quy tắc chung về xuất xứ hàng hóa; quy trình chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa; quy định riêng về hàng dệt may và các điều khoản thi hành… Thông tư 03 có hiệu lực từ ngày 8/3/2019. Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) trong CPTPP cũng sẽ được cấp kể từ ngày 8/3.

Đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu trước ngày Thông tư 03 có hiệu lực, các cơ quan, tổ chức cấp giấy chứng nhận xuất xứ xem xét cấp C/O CPTPP để được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định của hiệp định và theo quy định của nước thành viên nhập khẩu. Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu CPTPP cấp cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bao gồm các thông tin tối thiểu theo quy định tại CPTPP.

Về cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hàng xuất khẩu từ Việt Nam áp dụng cơ chế chứng nhận xuất xứ do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp. Thời gian chuyển tiếp thực hiện cơ chế nhà sản xuất (nhà xuất khẩu) đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa được thực hiện trong vòng 5 năm, cơ chế nhà nhập khẩu Việt Nam tự chứng nhận xuất xứ sẽ được xem xét sau 10 năm, đề kể từ ngày hiệp định có hiệu lực.

Về quy tắc xuất xứ đối với sản phẩm cụ thể (PSR), danh mục PSR được quy định chi tiết theo từng công đoạn sản xuất cụ thể. Do đặc thù cấu trúc danh mục PSR trong CPTPP nên Thông tư 03 có 3 danh mục PSR đối với hàng dệt may, danh mục PSR đối với xe và các bộ phận, phụ kiện và danh mục đối với các mặt hàng còn lại.

Cũng như các FTA khác, CPTPP cũng cho phép DN tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Trong quá trình thực thi cam kết từ các FTA và CPTPP, DN có quyền lựa chọn FTA hoặc CPTPP nếu có mức thuế thấp hơn. Giữa các quy tắc xuất xứ từ FTA và CPTPP, DN có thể xem xét kỹ nếu quy tắc nào phù hợp với quy trình sản xuất hơn, dễ cung cấp chứng từ hơn thì nên lựa chọn để khai theo mẫu đó.

Tại buổi tập huấn, đại diện cơ quan chức năng khuyến cáo, để tận dụng lợi thế của CPTPP, các DN phải hiểu về CPTPP, nắm kỹ thông tin, xác định rõ thế mạnh của ta là gì và thị trường trong CPTPP có đặc điểm gì để đánh đúng thị trường. Đáng chú ý, để được hưởng ưu đãi thuế quan đối với các FTA nói chung và CPTPP nói riêng, các DN phải nắm thật kỹ các quy định về xuất xứ hàng hóa theo quy định của nước nhập khẩu… để được hưởng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong những năm tiếp theo.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ha-noi-hon-200-dai-bieu-du-hoi-nghi-nang-cao-kien-thuc-ve-cptpp-88504.html