Hà Nội: Học sinh lớp 11 hoảng loạn vì bị người lạ bắt viết 'giấy nhận và trả nợ thay mẹ'

Không hề quen biết, không có quan hệ, giao dịch kinh doanh, làm ăn thế nhưng một học sinh lớp 11 đã bị một số người lạ mặt xông vào nhà riêng yêu cầu viết 'giấy nhận và trả nợ thay mẹ'.

Dấu hiệu "Lạm dụng tín nhiệm" mang tài sản Công ty đi vay nặng lãi

Chiều tối ngày 19/11/2020, báo Gia đình Việt Nam nhận được thông tin phản ánh của ông Nguyễn Ngọc S. trú tại số nhà 25 ngõ 43, đường Lưu Hữu Phước, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội liên quan đến việc con gái ông bị nhiều người lạ mặt xông vào nhà riêng của mình và “bắt ép” con gái anh là cháu Nguyễn Thị Ngọc H. viết “giấy nhận và trả nợ thay mẹ”.

Sự việc trên diễn ra tại nhà riêng của anh S. khi gia đình chỉ có duy nhất cháu H. ở nhà. Cháu H. năm nay mới 17 tuổi, hiện đang là học sinh lớp 11.

Ông Nguyễn Ngọc S. đã làm đơn trình báo, kêu cứu đến các cơ quan chức năng trên địa bàn TP. Hà Nội sau khi xảy ra sự việc

Ông Nguyễn Ngọc S. đã làm đơn trình báo, kêu cứu đến các cơ quan chức năng trên địa bàn TP. Hà Nội sau khi xảy ra sự việc

>> Chuyên án triệt xóa “tín dụng đen” núp bóng tài chính

Theo nội dung ông S. phản ánh với phóng viên Báo Gia đình Việt Nam: Vào tháng 10 năm 2010, Công ty nơi ông S. giữ chức Chủ tịch HĐQT có phân cho bà Nguyễn Thanh Tâm một lô đất để tạo điều kiện cho bà Tâm làm việc tại cơ quan chúng tôi sau khi bà Tâm nghỉ làm việc tại cơ quan nhà nước. Lô đất này được chuyển dưới dạng hợp đồng góp vốn nhưng không thu tiền của bà Tâm. Điều này được hai bên thỏa thuận đồng ý dưới dạng hợp đồng thể hiện rõ tại “Hợp đồng góp vốn”.

Tiếp đó vào năm 2011, thông tin từ các tài liệu bà Tâm cung cấp cho Công ty của ông S. có thể hiện nội dung: Bà Nguyễn Thanh Tâm có cho bà Trần Thu Hà mượn “Hợp đồng góp vốn” trên và sau đó bà Hà mang “Hợp đồng góp vốn” này để vay tiền của bà Phạm Thu Nga, thời hạn trả tiền được ấn định trong khoảng thời gian là 03 tháng tính từ khi vay. Một số thông tin trên các giấy tờ có liên quan thể hiện bà Hà phải trả số tiền lãi nhất định cho số tiền đã vay của bà Nga.

“Tôi không quen biết bà Hà và bà Nga. Thế nhưng bà Nga đã liên tục gặp gỡ, gọi điện trao đổi với nội dung bắt tôi phải trả số tiền mà bà Hà đã vay của bà Nga và có dấu hiệu đe dọa tôi, đe dọa đến các thành viên trong gia đình đến tôi khiến tôi bức xúc. Gia đình tôi làm ăn yên ổn lâu nay, không hề có giao dịch liên quan đến kinh tế, làm ăn với hai người này. Bà Nga liên tục có những dấu hiệu đe dọa nhân viên cơ quan chúng tôi khiến nhiều người vô cùng bức xúc”, ông S. nói.

Cũng theo ông S., trong khoảng thời gian này, phía Công ty chúng tôi có nhận được phản ánh của bà Tâm về trường hợp bà Hà đang có dấu hiệu “lạm dụng tín nhiệm” để mang tài sản “Hợp đồng góp vốn” để vay tiền ở ngoài xã hội và phải đóng lãi suất cho bà Nga với số tiền đã vay. Khi không có khả năng trả nợ, bà Hà có dấu hiệu lẩn trốn, trốn tránh trách nhiệm.

“Con gái tôi hoảng loạn”

Sự việc tưởng chừng chỉ dừng lại ở đó, không ngờ vào khoảng 18 giờ ngày 19/11/2020 trong khi ông S. và vợ không có nhà thì một người được cho là bà Nga cùng với hai người lạ mặt nữa đã tự ý xông vào ông S. và “bắt ép” con gái tôi viết “giấy nhận và trả nợ thay mẹ”.

“Tôi vừa đi làm về vào nhà thấy tâm lý con gái có phần hoảng loạn, không bình thường. Sau khi hỏi chuyện, con gái tôi kể lại đầu đuôi sự việc và mang ra tờ giấy có nội dung: “Đơn đề nghị rút vốn”. Dưới đơn có thể hiện “người viết đơn ký ngày 20/11/2020 mang tên bà Phạm Thị Nga có địa chỉ tại 1007, đường Hồng Hà, phường Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Dưới tờ đơn có nội dung do nét chữ của con gái tôi viết: “Thời hạn hẹn trong vòng 7 ngày giải quyết nếu không sẽ tính trả theo lãi suất ngân hàng”, ông S. cho biết.

Luật sư Bùi Thị Loan – Công ty luật TNHH Bùi Loan (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) nhận định vụ việc: "Nhóm người lạ mặt đang vi phạm tội xâm phạm chỗ ở của người khác” được quy định tại Điều 158 và “Tội cưỡng đoạt tài sản” được quy định tại điều 170 BLHS hiện hành".

Phóng viên có mặt tại nhà ông S. để ghi nhận sự việc. Thấy người lạ, cháu Nguyễn Thị Ngọc H. vội bỏ chạy lên nhà trên đóng cửa phòng. Phải đợi một lúc sau khi bố giới thiệu, cháu H. mới lấy bình tĩnh thuật lại câu chuyện.

“Chiều 19/11/2020, một mình cháu ở nhà, bất ngờ có 03 người mà cháu không hề quen biết, không vay mượn tiền bạc, không có quan hệ nào khác đã đến nhà yêu cầu cháu mở cửa và “bắt ép”, đọc cho cháu nội dung và bắt viết vào 02 tờ giấy. Vì không hiểu biết pháp luật, cháu nghe họ nhắc đến tên bố mẹ cháu nên cháu có viết vào 02 tờ giấy mà họ đã đánh máy soạn sẵn nội dung”, cháu H, kể lại sự việc.

Nhận thấy những hành vi của những đối tượng nói trên không hề quen biết, không hề có bất kỳ giao dịch tài chính, quan hệ làm ăn với gia đình cũng như với Công ty nơi mình đang công tác nhưng họ đã tự ý xông vào nhà riêng của gia đình rồi “bắt ép” con gái mình viết “giấy nhận nợ thay mẹ” là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

“Con gái tôi năm nay mới 17 tuổi, cháu đang học lớp 11, hiện tại cháu chưa đủ tuổi vị thành niên, chưa đủ nhận thức hiểu biết về pháp luật. Vậy mà họ đã ngang nhiên xông vào nhà riêng của tôi và có những hành vi ép buộc con tôi ký tên vào những tờ giấy có nội dung vi phạm pháp luật là không thể chấp nhận được”, ông S. bức xúc.

Theo ông S. cho biết, sau sự việc trên, cuộc sống của gia đình đình bị xáo trộn, gia đình chúng tôi hết sức bức xúc và lo lắng về sự an toàn sức khỏe, danh dự cũng như tính mạng các thành viên trong gia đình. Con gái tôi hiện nay hoảng loạn, ảnh hưởng đến tâm lý, ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học của cháu.

Liên quan đến sự việc trên, Luật sư Bùi Thị Loan – Công ty luật TNHH Bùi Loan, (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) nhận định:

"Hành vi đưa một số đối tượng lạ mặt, tự ý và nhà của người khác sau đó ép buộc một người không có liên quan tới giao dịch ký giấy nhận nợ theo thông tin phản ánh là có dấu hiệu của việc vi phạm pháp luật hình sự. Cụ thể, hành vi mà các đối tượng thực hiện đã có dấu hiệu của ít nhất hai tội danh: “Tội xâm phạm chỗ ở của người khác” được quy định tại Điều 158 và “Tội cưỡng đoạt tài sản” được quy định tại điều 170 BLHS hiện hành".

"Nghiêm trọng hơn, việc các đối tượng cưỡng ép một người không liên quan đến sự việc, mặt khác còn là người chưa thành phải ký giấy nhận nợ đã thể hiện sự táo tợn, liều lĩnh, coi thường pháp luật", Luật sư Bùi Thị Loan nhấn mạnh.

Cũng theo Luật sư Bùi Thị Loan nêu ý kiến: Khi nhận được trình báo của công dân về các hành vi nói trên thì các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc trấn áp những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời có biện pháp bảo vệ cho người bị cưỡng bức, đặc biệt khi đây lại là người chưa thành niên.

Thông tin ông S. cho biết, sáng ngày 20/11/2020, ông đã làm đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng trên địa bàn quận Nam Từ Liêm và TP. Hà Nội để đề nghị can thiệp.

Ông S. kính mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra để làm rõ sự việc, làm rõ các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về việc những người không có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng đã mang tài sản của công ty để đem thế chấp, cầm cố vay tiền ngoài xã hội với lãi suất cao và hành xử thói côn đồ, không đúng pháp luật (kiểu xã hội đen) nhằm đảm bảo cuộc sống an toàn cho gia đình mình.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/ha-noi-hoc-sinh-lop-11-hoang-loan-vi-bi-nguoi-la-bat-viet-giay-nhan-va-tra-no-thay-me-d163783.html