Hà Nội hoàn thành 16/16 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố

Hà Nội đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 16/16 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, có 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch, trong đó có 3 chỉ tiêu hoàn thành sớm 2 năm (chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới).

Thành phố cơ bản không còn hộ nghèo đa chiều

Trong nhiệm kỳ qua, tại Hà Nội, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều đổi mới và tiến bộ. Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao; phát triển và ứng dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại trong chẩn đoán, điều trị, trong đó nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện hàng đầu khu vực.

Hỗ trợ người hộ gặp hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19 tại quận Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: XC

Hỗ trợ người hộ gặp hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19 tại quận Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: XC

Hà Nội đầu tư nâng cấp các bệnh viện, cơ sở y tế; nâng cao y đức và thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế. Tích cực triển khai mô hình Trạm Y tế theo nguyên lý y học gia đình và lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Công tác quản lý y, dược, y tế dự phòng tiếp tục được tăng cường và từng bước đổi mới. Công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn Châu Phi và đại dịch COVID-19 được thực hiện quyết liệt, hiệu quả.

Tuổi thọ trung bình của người dân Hà Nội đạt 75,5 tuổi, cao hơn mức chung của cả nước 1,9 tuổi, tăng 0,6 tuổi so với năm 2009.

An sinh xã hội được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân Thủ đô được nâng cao. Các chính sách của Nhà nước đối với người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… được thực hiện đúng, đủ và kịp thời; ngoài ra còn ban hành và thực hiện nhiều chính sách đặc thù, riêng có của Hà Nội về phúc lợi xã hội.

Hà Nội thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; huy động nhiều nguồn lực tài chính phục vụ nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách; hoàn thành xây dựng nhà ở cho người có công, hoàn thành xây dựng mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo. Trong nhiệm kỳ đã xây dựng 10.000 nhà ở cho người có công; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 7.565 nhà ở cho hộ nghèo.

Hà Nội hoàn thành mục tiêu giảm nghèo trước 2 năm. Thành phố cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.

Chất lượng cuộc sống của nhân dân không ngừng được nâng cao; đảm bảo đầy đủ nhu cầu thiết yếu về các dịch vụ công cơ bản (điện, nước sạch, vệ sinh môi trường); cảnh quan đô thị, diện tích cây xanh, công viên được cải thiện. Hoàn thành hỗ trợ các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 theo quy định của Quốc hội, Chính phủ và chính sách đặc thù theo Nghị quyết của HĐND Thành phố.

Tỷ lệ trường chuẩn Quốc gia đạt 75%

Giáo dục và đào tạo Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, về chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, về số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. 100% giáo viên đứng lớp đạt chuẩn, tỷ lệ trên chuẩn cao. Quản lý giáo dục, dạy học, tuyển sinh, thi, kiểm tra, đánh giá có nhiều đổi mới.

Một buổi sinh hoạt tại Trường tiểu học Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội).

Thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao về cả số lượng và chất lượng, nhất là khu vực nội thành và các khu vực đô thị hóa nhanh. Hạ tầng giáo dục và cơ sở vật chất phục vụ dạy và học được tập trung đầu tư, trang bị khá đồng bộ, hiện đại. Tỷ lệ trường chuẩn Quốc gia năm 2020 đạt 75%, hoàn thành sớm 2 năm về tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn Quốc gia.

Chất lượng giáo dục đại học trên địa bàn được nâng cao, nhiều trường tích cực đổi mới, tiệm cận với xu hướng phát triển của giáo dục đại học trên thế giới. Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội đã có tên trong bảng xếp hạng 1.000 đại học hàng đầu thế giới. Giáo dục đại học đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển của Thành phố, đặc biệt trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tri thức, đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho Hà Nội và cả nước...

Giáo dục nghề nghiệp tiếp tục có bước phát triển. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 53,14% năm 2015 lên 70,2%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 48% năm 2020; tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo đạt trên 70%. Các trường chủ động hợp tác quốc tế, xây dựng và chuẩn hóa khung chương trình đào tạo theo các chuẩn mực khu vực, quốc tế. Nhiều doanh nghiệp tham gia, hợp tác đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực. Hà Nội dẫn đầu trong nhiều kỳ thi, hội thi tay nghề cấp quốc gia và quốc tế.

371 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Thành ủy Hà Nội đã xây dựng và triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình 02-CTr/TU. Hạ tầng kinh tế, xã hội khu vực nông thôn được tăng cường đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới, tổng mức vốn huy động đầu tư trung bình hằng năm trên 12.000 tỷ đồng. Đường làng, ngõ xóm được kiên cố hóa, hệ thống thoát nước cơ bản đáp ứng yêu cầu; các công trình thủy lợi nội đồng được đầu tư xây dựng đảm bảo nhu cầu phục vụ sản xuất; nâng cấp và xây dựng các trường học, nhà văn hóa thôn đảm bảo nhu cầu giảng dạy, học tập và sinh hoạt của cộng đồng. Hầu hết các hộ dân có điện thoại, 100% xã có kết nối Internet. Diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét.

Cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí, tăng năng suất lao động theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm. Ảnh: TTXVN

Đến cuối năm 2020, Hà Nội sẽ có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 96,1%, hoàn thành trước hạn 2 năm mục tiêu đề ra, là địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới dẫn đầu cả nước. Triển khai và xây dựng được 15 xã nông thôn mới nâng cao. Hà Nội cơ bản hoàn thành việc dồn điền đổi thửa; chuyển đổi hơn 40.000 ha đất trồng lúa sang các mô hình sản xuất hiệu quả cao hơn. Nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh cây ăn quả; chăn nuôi tập trung; trồng hoa, cây cảnh cho hiệu quả kinh tế cao; Bước đầu đã hình thành được các chuỗi liên kết trong sản xuất an toàn thực phẩm. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt kết quả tốt; đã có 1.000 sản phẩm, vượt mục tiêu đề ra và chiếm 41% cả nước.

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 55 triệu đồng, gấp 1,36 lần năm 2016. Các chỉ tiêu quan trọng về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân đạt kết quả tích cực. Tỷ trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 30%; tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên trên 98%.

XC/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/ha-noi-hoan-thanh-1616-chi-tieu-nghi-quyet-dai-hoi-xvi-dang-bo-thanh-pho-20201011074920859.htm