Hà Nội - Hòa Bình hợp tác đưa nông sản về tiêu thụ tại Thủ đô

Ngày 10/8, Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức Hội nghị về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2025.

Thực hiện Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội theo Quyết định số 1791/QĐ-BNN-QLCL ngày 19/5/2015 của Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT Hòa Bình đã ký với Sở NN&PTNT Hà Nội biên bản hợp tác phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn có tem truy xuất nguồn gốc cho TP Hà Nội (ngày 21/12/2018).

Sở NN&PTNT Hòa Bình cũng đã ký với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp về hợp tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn (ngày 25/7/2019); ký các biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm với một số tập đoàn lớn; quy chế về kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Quang cảnh cuộc làm việc giữa đại diện hai Sở NN&PTNT Hòa Bình và Hà Nội ngày 10/8.

Quang cảnh cuộc làm việc giữa đại diện hai Sở NN&PTNT Hòa Bình và Hà Nội ngày 10/8.

Sau bản ghi nhớ và biên bản hợp tác, các đơn vị đã tổ chức, giới thiệu 135 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hội chợ, diễn đàn, phiên chợ nông sản thực phẩm an toàn và tuần lễ nhận diện nông sản an toàn tổ chức tại các tỉnh, TP. Cùng với đó, phối hợp ký kết được 10 biên bản ghi nhớ giữa doanh nghiệp Hà Nội và doanh nghiệp Hòa Bình trong việc liên kết và tiêu thụ nông sản.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hòa Bình Vương Đắc Hùng, từ việc phối hợp kết nối giữa tỉnh Hòa Bình và TP Hà Nội, đến nay đã có nhiều mặt hàng có thể mạnh của Hòa Bình được đưa vào hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại lớn phục vụ người tiêu dùng Thủ đô.

Việc tổ chức các chương trình tuần lễ, hội chợ, diễn đàn tại Hà Nội đã tạo ra điểm giao thương và kết nối tiêu thụ sản phẩm đối với các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn. Qua đó, các sản phẩm chủ lực và có lợi thế của tỉnh Hòa Bình như: Cá sông Đà, cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, rau hữu cơ, gà đồi... đã cung ứng vào các siêu thị, hệ thống bán lẻ tại Hà Nội, được người dân chấp nhận và đánh giá cao.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, Hòa Bình cần thực hiện hiệu quả về việc triển khai kế hoạch, chương trình phối hợp quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và việc phối hợp phát triển chuỗi cung cấp nông sản thực phẩm an toàn cho TP; tăng cường tổ chức sản xuất theo chuỗi quy mô lớn sản xuất công nghệ cao, bền vững, phát triển chuỗi sản xuất có chứng nhận GAP, GMP, HACCP... Xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm để cung cấp tới doanh nghiệp phân phối, người tiêu dùng để nhận biết, an tâm sử dụng.

Hòa Bình là tỉnh thứ 2 sau TP Hà Nội xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, xác thực chống giả và kết nối cung cầu tại địa chỉ hb.check.net.vn. Từ các kết quả đã thực hiện, đã có nhiều mặt hàng thế mạnh của tỉnh Hòa Bình được hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội bày bán.

Đến nay, có 100 sản phẩm của 81 chủ thể được UBND tỉnh Hòa Bình công nhận đạt sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Ngoài ra còn có 46 nhãn hiệu được chứng nhận và bảo hộ trên thị trường; 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng an toàn.

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận về những thuận lợi, khó khăn xoay quanh các vấn đề truy xuất nguồn gốc, giá cả, vận chuyện nông sản… trong quá trình tiêu thụ nông sản của Hòa Bình tại thị trường Hà Nội. Cũng trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã đến thăm các cơ sở sản xuất nông sản tiêu biểu của tỉnh Hòa Bình trong lĩnh vực nông lâm thủy sản.

Lâm Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-hoa-binh-hop-tac-dua-nong-san-ve-tieu-thu-tai-thu-do.html