Hà Nội: Hỗ trợ giá vé cho người sử dụng tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông

Tại kỳ họp thứ 8, kỳ họp bất thường HĐND TP Hà Nội khóa XV diễn ra sáng 9/4, với tỷ lệ 100% (94/94) đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về hỗ trợ giá vé đối với người sử dụng dịch vụ đường sắt công cộng trên tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) 2A Cát Linh - Hà Đông.

Hỗ trợ 100% giá vé sử dụng cho các đối tượng người có công, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi

Thay mặt UBND TP, Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện đã trình bày Tờ trình của UBND TP về việc ban hành Nghị quyết hỗ trợ giá vé đối với người sử dụng dịch vụ đường sắt công cộng trên tuyến ĐSĐT 2A Cát Linh - Hà Đông. Theo đó, việc áp dụng mức hỗ trợ đối với người sử dụng dịch vụ đường sắt công cộng trên tuyến ĐSĐT 2A Cát Linh - Hà Đông tương tự như mức chi phí hỗ trợ đối với người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, xe buýt nhanh BRT, đã được quy định tại Nghị quyết số 03/2013/NQ-HĐND ngày 12/7/2013 của HĐND TP. Nguồn kinh phí để thực hiện các nội dung hỗ trợ trên đã được bảo đảm để thực hiện trong năm 2019. Dự kiến, kinh phí thực hiện với giá vé bình quân trên toàn tuyến là 10.180 đồng (với cự ly 5,3km); ước khối lượng hành khách được ưu tiên theo chính sách này chiếm 12% tổng sản lượng hành khách, tương đương mức hỗ trợ 14.460 triệu đồng/năm.

Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện trình bày tờ trình của UBND thành phố về Nghị quyết hỗ trợ giá vé tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông

Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện trình bày tờ trình của UBND thành phố về Nghị quyết hỗ trợ giá vé tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông

HĐND TP quyết nghị áp dụng mức hỗ trợ đối với người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông tương tự như mức chi hỗ trợ đối với người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, xe buýt nhanh đã được quy định tại Nghị quyết số 03/2013/NQ-HĐND ngày 12/7/2013 của HĐND TP về ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác, áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải, cụ thể như sau:

Thứ nhất, ngân sách TP hỗ trợ 100% giá vé sử dụng cho các đối tượng người có công, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi.

Thứ hai, ngân sách TP hỗ trợ 50% giá vé tháng cho các đối tượng học sinh, sinh viên, người lao động các KCN, người cao tuổi.

Thứ ba, ngân sách TP hỗ trợ 30% giá vé tháng cho người lao động tại các văn phòng công sở, DN ngoài KCN mua vé tháng theo hình thức tập thể.

Đặc biệt, ngân sách TP sẽ hỗ trợ 100% giá vé cho toàn bộ hành khách sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng trong 15 ngày đầu kể từ khi tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông bắt đầu khai thác vận hành thương mại.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 19/4/2019.

Thông qua Nghị quyết quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT

Theo Tờ trình của UBND TP do Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền trình bày, hiện nay, Hà Nội có 86,7% dân số trên địa bàn đã tham gia BHYT (gồm các đối tượng: người già, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo và cận nghèo, chính sách xã hội,… đều đã tham gia BHYT), số chưa tham gia là 13,3% thuộc các đối tượng có mức sống ổn định và thuộc nhóm tham gia BHYT tự nguyện. Việc thực hiện mức tối đa khung giá dịch vụ y tế tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ BHYT, việc điều chỉnh giá sẽ tác động đến ý thức tham gia BHYT của người dân, người dân sẽ thấy lợi ích của BHYT để tham gia và càng rõ hơn tầm quan trọng, ý nghĩa của việc tham gia BHYT, đảm bảo chủ trương tiến tới BHYT toàn dân, làm Quỹ BHYT bền vững hơn.

Ngoài ra, với tỷ lệ người chưa tham gia BHYT không cao (13,3%), việc tăng giá dịch vụ y tế có thể được kiểm soát an toàn, không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng của thành phố cũng như không tạo sự biến động quá lớn về thị trường và giá cả trên địa bàn.

Giá dịch vụ tối đa gồm chi phí trực tiếp và tiền lương để đảm bảo cho việc khám bệnh, chăm sóc, điều trị người bệnh và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, việc việc tăng giá dịch vụ y tế không ảnh hưởng đến chỉ số CPI của TP

Với Nghị quyết được thông qua, đối tượng áp dụng là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước thuộc TP Hà Nội gồm các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố, trung tâm chuyên khoa, bệnh viện đa khoa tuyến huyện, phòng khám đa khoa, nhà hộ sinh, trạm y tế xã/phường/thị trấn; người bệnh chưa tham gia BHYT; người bệnh có thẻ BHYT nhưng đi khám bệnh, chữa bệnh hoặc sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Nguyên tắc xác định giá dịch vụ y tế là: Bằng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Phụ lục số I, II, III, IV của Thông tư số 37/2018/TT-BYT, ngày 30/11/2018, của Bộ Y tế.

Các bệnh viện có giường bệnh, Trung tâm y tế tuyến TP có chức năng khám bệnh, chữa bệnh; trung tâm y tế huyện thực hiện cả hai chức năng phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh đã được xếp hạng áp dụng mức giá của bệnh viện hạng tương đương. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa được phân hạng áp dụng mức giá của bệnh viện hạng IV.

Với Trạm y tế xã, phường, thị trấn, mức giá khám bệnh áp dụng mức giá của trạm y tế xã. Mức giá các dịch vụ kỹ thuật bằng 70% mức giá của các dịch vụ được quy định.

Các trạm y tế được Sở Y tế quyết định có giường lưu áp dụng mức giá bằng 50% mức giá ngày giường nội khoa loại 3 của bệnh viện hạng IV.

Nghị quyết cũng quy định cụ thể danh mục, giá các dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc Quỹ BHYT gồm 10 dịch vụ khám chữa bệnh, 6 dịch vụ ngày giường, 1.937 giá các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm áp dụng cho các hạng bệnh viện.

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/5/2019.

CHÂU GIANG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/ha-noi-ho-tro-gia-ve-cho-nguoi--su-dung-tuyen-duong-sat-cat-linh--ha-dong-d94901.html