Hà Nội hạn chế phương tiện cá nhân - Bài 3: Xe máy, tàu điện và buýt nhanh BRT

Các chuyên gia giao thông cho rằng, cơ quan quản lý cần thận trọng, xem xét việc cấm thí điểm xe máy trên đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi để tránh 'hiệu ứng' cấm tuyến này lại tràn sang tuyến khác khiến tắc cục bộ nhiều hơn.

Để thực hiện việc hạn chế phương tiện cá nhân, Sở GTVT Hà Nội cho biết, sẽ không chờ đến năm 2030 mới thực hiện mà làm từng bước, chọn những tuyến phố thích hợp như Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi cấm trước.

Nhận định về đề xuất này, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội) cho rằng, việc cấm xe máy trên toàn tuyến đường này có thể tạo “hiệu ứng” xe máy đồng loạt tràn sang các tuyến đường khác. Do vậy, ngành giao thông Hà Nội cần có những tính toán kỹ, đưa ra sơ đồ, hướng dẫn người dân không có nhu cầu đi xe buýt, tàu điện và vẫn sử dụng xe máy đi lại một cách thuận tiện.

Ông Nguyễn Hoàng Hải.

Ông Nguyễn Hoàng Hải.

Ông Hải nói: “Giao thông phục vụ tất cả mọi người, khi hạn chế xe cá nhân, tức là ưu tiên vận tải công cộng. Tuy nhiên, một số ít người còn lại vẫn sử dụng xe máy thì họ được lựa chọn đi lại thế nào. Do vậy, khi tuyến đường này bị hạn chế xe máy thì họ phải có hành lang khác để đi, dù khó khăn hơn, mất thời gian hơn cũng phải chấp nhận lựa chọn”.

Vị này cũng cho rằng, khi hạn chế xe máy ở tuyến đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương thì TP Hà Nội phải tổ chức giao thông ở hành lang còn lại không bị cấm. Bởi nếu không tổ chức lại giao thông, người điều khiểu phương tiện đi lại tự do thì ùn tắc còn khó lường hơn.

Cũng về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội nêu quan điểm, chủ trương cấm xe máy hoạt động trong nội thành là đúng, về nguyên tắc thường cấm xe máy trong tuyến phố trung tâm trước, rồi sau đó mới mở rộng ra bên ngoài. Tuy nhiên, trên cơ sở tuyến xe buýt nhanh và đường sắt trên cao, TP Hà Nội có thể tính toán làm trước trên trục đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương.

Ông Bùi Danh Liên.

Đánh giá về việc lựa chọn tuyến đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương để thực hiện trước, ông Bùi Danh Liên đề nghị cần phải cân nhắc kỹ vì đây là hai trục đường hướng tâm có mật độ giao thông lớn, thường xuyên ùn tắc. Do vậy, bên cạnh việc cấm xe máy hoạt động trên một trong hai tuyến đường này thì TP Hà Nội cần có những giải pháp để đải quyết nhu cầu đi lại của người dân và tổ chức lại giao thông cho hợp lý.

“Đây là tuyến đường hướng tâm, nêu cấm một trong hai tuyến đường này, xe máy sẽ tràn sang đường kia. Nếu để tình trạng như vậy xảy ra, mà tổ chức giao thông không hợp lý thì ùn tắc giao thông còn nghiêm trọng hơn” - ông Liên nói.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội đề xuất giải pháp, thành phố nên làm dải phân cách mềm trên tuyến đường không cấm xe máy. Trong khung giờ cao điểm, dải phân cách này có thể mở rộng theo hướng người dân đi vào, đi ra một cách thuận tiện nhất. Ngoài ra, thành phố cần phải tăng cường phương tiện giao thông công cộng, vận động người dân sử dụng. Bên cạnh đó cũng phải hạn chế ô tô cá nhân. Bởi rất có thể nếu cấm xe máy thì người dân sử dụng ô tô đi lại nhiều hơn.

“Thành phố nên chọn một tuyến phố trung tâm làm thí điểm cấm xe máy. Bởi các tuyến phố bàn cờ trong trung tâm như ở quận Hoàn Kiếm dễ tổ chức lại giao thông hơn là tuyến Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương có mật độ giao thông lớn” đó là quan điểm của GS Từ Sỹ Sùa - giảng viên trường Đại học GTVT Hà Nội.

GS Từ Sỹ Sùa.

Theo GS Sùa, nếu thành phố chọn tuyến phố Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi cấm xe máy thì nên chọn từng đoạn đường phù hợp, chứ không nên cấm ngặt toàn tuyến. “Đây là tuyến đường xuyên tâm, có tỷ lệ người sử dụng xe máy rất lớn. Do vậy, khi cấm xe máy thì phải có giải pháp thay thế và phương án tổ chức lại giao thông tuyến đường còn lại cho phù hợp” - GS Sùa nêu quan điểm.

“Chủ trương như hiện nay là đúng, nhưng giải pháp cấm toàn tuyến Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi cần xem lại vì nó là đường xuyên tâm, độc đạo. Giả sử nếu thành phố cấm ngay thì chắc chắn hạ tầng giao thông sẽ quá tải, dân đi vào đâu được?” - ông Sùa băn khoăn.

Theo ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, hiện nay thành phố còn tồn tại 33 điểm ùn tắc; tốc độ phát triển hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu; TNGT tuy đã giảm cả 3 tiêu chí nhưng vẫn ở mức cao. Cùng với đó là tình trạng trông giữ xe trái quy định, “xe dù, bến cóc"... vẫn còn tồn tại nhức nhối. Trong khi đó, công tác thanh kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự ATGT, trật tự đô thị có nơi, có lúc còn chưa kịp thời, kiên quyết.

Để chống ùn tắc, ô nhiễm môi trường, Sở GTVT Hà Nội đang nghiên cứu trình UBND, HĐND thành phố 2 đề án. Thứ nhất là xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030. Trong lộ trình này, có tính tới dừng đăng ký mới xe máy. Việc này Sở GTVT đang cùng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT nghiên cứu. Thứ hai là xây dựng đề án thu phí một số loại phương tiện giao thông vào khu vực trung tâm dễ gây ùn tắc và ô nhiễm môi trường.

Giám đốc Sở GTVT cũng cho biết, dự kiến có thể một trong hai tuyến phố là Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi sẽ thí điểm cấm xe máy hoạt động đầu tiên trong các quận nội thành. Theo đó, với việc cấm xe máy hoạt động ở tuyến phố Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi, người dân có thể sử dụng xe buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa hoặc đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Điều này còn tạo điều kiện phát huy năng lực vận tải của xe buýt nhanh và tàu điện của Hà Nội.

Nhóm PVĐT

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-han-che-phuong-tien-ca-nhan--bai-3-xe-may-tau-dien-va-buyt-nhanh-brt-d2064029.html