Hà Nội: Gỡ rối cho hợp tác xã, kinh tế tập thể trong giai đoạn mới

Thành phố Hà Nội hiện có 1.235 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, trong đó có 1.090 HTX đang hoạt động và 145 HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể.

Để phát huy được hiệu quả của kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) trong giai đoạn tới, cần phát triển các HTX chuyên ngành, các HTX toàn xã, từ đó thúc đẩy liên kết, gắn sản xuất với chế biến, kết nối tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp - đó là ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị tổng kết công tác phát triển kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp giai đoan 2016-2020 trên địa bàn TP.Hà Nội tổ chức mới đây.

586/947 HTX hoạt động khá, tốt

Báo cáo tại hội nghị, bà Hoàng Thị Huyền - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, toàn thành phố hiện có 1.235 HTX nông nghiệp. Trong đó, 1.090 HTX đang hoạt động và 145 HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể.

Trên cơ sở tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả phân loại 947 HTX gần nhất, Hà Nội có 183 HTX hoạt động tốt, 403 HTX hoạt động khá, còn lại 334 HTX hoạt động trung bình và 27 HTX yếu.

Nhờ đầu tư nhà màng, hệ thống tưới tự động và trạm thời tiết thông minh, HTX rau quả sạch Chúc Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ảnh: Thu Hà

Tại Hội nghị, Sở NNPTNT Hà Nội đã khen thưởng cho 21 tập thể và 27 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp.

Những năm qua, các HTX nông nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất, theo đó đã có 70 HTX tham gia liên kết chuỗi giá trị gắn với sản xuất - tiêu thụ; 50 HTX ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, đã có 53 HTX với 180 sản phẩm được thành phố đánh giá, phân hạng đạt 3 sao OCOP trở lên.

Đáng chú ý, từ năm 2018 đến nay, thành phố đã thành lập được 176 HTX nông nghiệp, góp phần hỗ trợ các thành viên và bà con nông dân thuận lợi trong sản xuất, tăng thêm thu nhập thông qua các hoạt động cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu và tiếp thị sản phẩm nông sản…

Đối với các HTX thôn, xã sau khi chuyển đổi theo Luật HTX 2012, một số người đứng đầu có năng lực, tư duy đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn xây dựng phương án tổ chức sản xuất và kinh doanh đáp ứng với cơ chế thị trường; có số lượng thành viên HTX với quy mô vừa (dưới 1.000 thành viên); đa dạng dịch vụ hoạt động (tối đa 10 - 12 dịch vụ ) phục vụ thành viên HTX và dịch vụ truyền thống cho nông dân toàn xã tại địa phương, từ đó góp phần nâng cao thu nhập thành viên…

Dù đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cũng thẳng thắn chỉ ra công tác phát triển kinh tế tập thể, HTX tại địa bàn trong 5 năm qua vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế.

Vai trò của HTX còn mờ nhạt, lợi ích mang lại cho thành viên chưa cao. Phương thức tổ chức sản xuất kinh doanh của phần lớn các HTX còn chậm được đổi mới…

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Chí - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội - nhận định, giai đoạn 2021- 2025 là giai đoạn đổi mới toàn diện nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn trong bối cảnh kinh tế đô thị, gắn bó chặt chẽ với chương trình nông thôn mới. Nếu chỉ dừng lại ở kinh tế hộ, sản xuất truyền thống thì sẽ không có động lực phát triển.

Do đó, cần tập trung nguồn lực phát triển HTX áp dụng công nghệ cao, các cánh đồng chuyên canh, cơ giới hóa nông nghiệp.

Mạnh dạn giải thể HTX hoạt động yếu kém

Để phát huy được hiệu quả của kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn tới, ông Tạ Văn Tường cho rằng Hà Nội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về HTX, vai trò của kinh tế tập thể, kinh tế HTX.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý về đất đai xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất các HTX. Đồng thời, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định 1840/QĐ-TTg của Chính phủ về phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2025.

Mạnh dạn giải thể, chuyển đổi các HTX hoạt động yếu kém, không hiệu quả, ngừng hoạt động theo quy định.

Cùng với đó, cần phát triển các HTX chuyên ngành nhằm liên kết sản xuất với chế biến, kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm thô. Các trang trại nông nghiệp cũng cần phải liên kết với các doanh nghiệp.

Song song với việc phát triển các HTX chuyên ngành, cần thành lập các HTX toàn xã. Các HTX này sẽ thực hiện chắt lọc, cơ cấu lại để khai thác lợi thế kinh tế tập thể và làm những việc HTX chuyên ngành không thể làm được.

Theo THIÊN NGÂN (Dân Việt)

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ha-noi-go-roi-cho-hop-tac-xa-kinh-te-tap-the-trong-giai-doan-moi-a293171.html