Hà Nội giãn dân phố cổ 'tắc' đến bao giờ?

Sau 20 năm trôi qua, kế hoạch giảm mật độ dân số, nâng cao điều kiện sống cho cư dân phố cổ của Thành phố Hà Nội vẫn đang bế tắc.

Với mục tiêu giảm mật độ dân cư cũng như nâng cao điều kiện sống cho người dân, năm 1998, UBND thành phố Hà Nội khởi động dự án di dân phố cổ. Tuy nhiên, sau 20 năm trôi qua, kế hoạch di dân lớn này của Hà Nội vẫn đang bế tắc.

Đề án giãn dân phố cổ là giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha. Theo đó, khu vực phố cổ quận Hoàn kiếm phải di chuyển trên 6.500 hộ dân, với khoảng 27.000 người. Đề án được chia làm 2 giai đoạn.

Việc giãn dân ở phố cổ Hà Nội vẫn "bế tắc” (ảnh minh họa)

Việc giãn dân ở phố cổ Hà Nội vẫn "bế tắc” (ảnh minh họa)

Giai đoạn I triển khai di dời 1.530 hộ dân bắt đầu từ quý IV/2013 và hoàn thành vào quý IV 2016. Khu đô thị giãn dân phố cổ rộng hơn 11ha trong Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên. Giai đoạn II sẽ di dời hơn 5.000 hộ dân ngay sau khi Dự án giai đoạn I kết thúc triển khai trong các khu đô thị khác do thành phố bố trí. Đề án giãn dân phố cổ sẽ kết thúc vào năm 2020.

Để thực hiện kế hoạch di dời các hộ dân trong giai đoạn 1, năm 2015, UBND TP Hà Nội chấp thuận cho quận Hoàn Kiếm triển khai xây dựng khu đô thị giãn dân phố cổ tại phường Việt Hưng, quận Long Biên. Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án gần như vẫn “án binh bất động”.

Trả lời cử tri về thực trạng ì ạch trong việc giãn dân phố cổ mới đây, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, chủ trương di dời cư dân phố cổ được thành phố giao quận Hoàn Kiếm từ năm 2009. Đồng thời thừa nhận, đề án xây dựng khu giãn dân bị chậm là do nhà đầu tư (Công ty Hồng Hà) không có năng lực tài chính, “dính” đến sai phạm - lừa đảo, bị cơ quan pháp luật khởi tố. Ông Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định, thời gian qua thành phố đã chỉ đạo quyết liệt quận Hoàn Kiếm về vấn đền này, cá nhân ông chủ trì 3 cuộc họp và đã thông qua được phương án kiến trúc, đề án quy hoạch giai đoạn 1 của dự án di dân phố cổ tại quận Long Biên.

“Hiện thành phố đang giao cho quận Hoàn Kiếm kêu gọi đầu tư vào dự án này theo tinh thần đặt hàng để xây dựng theo tiêu chí nhà thương mại để đảm bảo tiêu chuẩn cao theo ý kiến của người dân. Vì người dân cũng mong muốn như vậy”, ông Đức Chung nói.

Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, đến nay quận Hoàn Kiếm đã di dời được 200 hộ dân, với khoảng 1000 nhân khẩu trong khu phố cổ. Các hộ này chủ yếu là trong các di tích, trường học. Hiện quận vẫn đang tiếp tục di dời 1500 hộ dân còn lại theo hai phương án. Hộ nào có nguyện vọng chuyển đi ngay thì quận báo cáo thành phố và thành phố cũng sẵn sàng quỹ nhà để giải quyết cho các hộ dân.

Cùng với đó là triển khai dự án giãn dân tập trung. Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cũng khẳng định, việc dự án xây dựng khu nhà ở tại phường Việt Hưng, quận Long Biên chậm triển khai không ảnh hưởng đến tiến độ giãn dân phố cổ. Hiện nay, quận Hoàn Kiếm đang thực hiện các thủ tục cuối cùng trình thành phố phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư, xây dựng dự án. Mục tiêu là trong năm 2019 sẽ triển khai thi công dự án giãn dân phố cổ tại Việt Hưng, quận Long Biên.

“Vấn đề phức tạp nhất là người dân đang ở trong các khu nhà ổn định, quen với nếp sống sinh hoạt tại phố cổ. Việc di chuyển gia đình không chỉ ảnh hưởng đến một cá nhân mà tất cả các thành viên như thói quen sinh hoạt, việc học tập làm việc...”, ông Tuấn Long nói.

Rõ ràng, việc thành phố Hà Nội lựa chọn sai nhà đầu tư trong thực hiện dự án giãn dân phố cổ, (cụ thể là Công ty Hồng Hà không đủ năng lực tài chính, dính đến sai phạm-lừa đảo) có thể coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ì ạch chủ trương rất được chờ đợi này.

Với thực trạng hàng chục năm qua và những gì đang diễn ra trên thực tế, ai dám chắc cuộc di dân mà Hà Nội khởi động 20 năm trước, với mục tiêu giảm mật độ dân số, nâng cao điều kiện sống cho cư dân phố cổ sẽ không còn bế tắc?./.

Huy Nam/VOV1

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/ha-noi-gian-dan-pho-co-tac-den-bao-gio-854609.vov