Hà Nội giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số

Hà Nội có 1,2% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chủ yếu là dân tộc Mường, Dao; tập trung tại các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Mỹ Đức... Với những chính sách hỗ trợ hợp lý cùng với sự vươn lên của bà con, cuộc sống 14 xã vùng DTTS Hà Nội đã thay da đổi thịt.

Ba Vì là huyện có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn của Thủ đô, nơi tập trung đông nhất bà con DTTS của Hà Nội, với gần 29.000 người. Trong đó dân tộc Mường, chiếm 91%, dân tộc Dao, chiếm 8%. Đồng bào dân tộc cư trú chủ yếu tại 7 xã vùng núi như: Khánh Thượng, Ba Trại, Vân Hòa… Thực hiện Kế hoạch số 138/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020, Ba Vì đã triển khai đồng bộ các chương trình, kế hoạch để phát triển kinh tế, xã hội bảy xã DTTS, chú trọng công tác giảm nghèo bền vững. Các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo được triển khai gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Kết hợp các chương trình hành động này với xây dựng nông thôn mới, khắp các xã DTTS ở Ba Vì diễn ra những đổi thay mạnh mẽ. Xã Ba Trại phát triển nghề chè sạch; xã Minh Quang phát triển nghề chế biến miến dong, búp chè khô; mô hình gà đồi được mở rộng ở Ba Vì… Do địa bàn kinh tế khó khăn, dân trí còn chưa cao so với mặt bằng chung, nên để các chính sách đi vào cuộc sống, các đoàn thể như: MTTQ, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… đã tích cực vào cuộc hướng dẫn, vận động nhân dân mạnh dạn vay vốn, mở rộng đầu tư, phát triển những mô hình sản xuất tập trung.

Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trại Hoàng Văn Chuyển, cho biết, cùng với phát triển sản xuất, hạ tầng được đầu tư bài bản, 90% đường được bê-tông hóa, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Năm 2017, xã Ba Trại đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Trên toàn huyện, tính đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo 7 xã miền núi chỉ còn 3,96% (giảm 3,79% so với năm 2014); hộ cận nghèo chiếm 7,32% (giảm 1,03% so với năm 2014); 100% số xã có đường nhựa hoặc đường bề tông đến trụ sở xã; 100% thôn, làng, khu dân cư đang sử dụng lưới điện quốc gia và có hệ thống truyền thanh phủ kín tới thôn, làng.

Với huyện Thạch Thất, bà con DTTS tập trung tại 3 xã: Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân. Trong những năm qua, tăng trưởng kinh tế bình quân ở 3 xã miền núi đạt 12,5%/năm; thu nhập bình quân đạt 44 triệu đồng/người/năm, tăng 17,2 triệu đồng so với năm 2014. Bà Nguyễn Thị Thu - trưởng thôn Đầm Bối, xã Yên Trung cũng phấn khởi nói: Trước khi sáp nhập về Hà Nội, cơ sở vật chất và đời sống của người dân trong xã còn gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập bình quân chỉ đạt 12 triệu đồng/người/năm nhưng đến nay đời sống phần lớn nhân dân đã khá giả. Đến cuối năm 2018, ở 3 xã miền núi có 29/35 thôn (83%) đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa. 88,5% số hộ đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa… 3 xã vùng DTTS của Thạch Thất phấn đấu tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 13% từ nay đến năm 2024; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 1%.

Tính đến thời điểm này, đã có 7/14 xã DTTS của Hà Nội đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, thách thức vẫn còn rất lớn. Do diện tích rộng, cư dân phân tán nên xây dựng giao thông liên thôn, liên xã đòi hỏi nguồn đầu tư lớn; nguồn lực địa phương eo hẹp nên đầu tư hạ tầng như chợ, trường học, nhà văn hóa còn khó khăn. Việc nằm xa trung tâm khiến một số hàng hóa khó tiêu thụ. Đây là lý do vùng dân tộc thiểu số cần có thêm sự hỗ trợ của thành phố trong việc giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM.

Tuệ Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tieng-noi-co-so/ha-noi-giam-ngheo-ben-vung-vung-dan-toc-thieu-so-tintuc446303