Hà Nội giảm biên chế, tăng phí vỉa hè

Tăng phí sử dụng vỉa hè và quyết liệt tinh giản biên chế là 2 nội dung chính trong ngày làm việc thứ 2 của HĐND TP Hà Nội diễn ra ngày 5/12. Về tăng phí vỉa hè, mức phí sẽ tăng gấp 3 lần tại khu vực lõi đô thị gồm 12 tuyến phố bảo tồn cấp I trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và giảm dần theo hướng dịch chuyển ra các vành đai 1, 2, 3. Thế nhưng, nhiều ý kiến băn khoăn, tăng như vậy ai sẽ là người được thụ hưởng?

Cần minh bạch và quản lý tốt các điểm trông giữ xe.

Sẽ tăng phí sử dụng vỉa hè và quyết liệt tinh giản biên chế là 2 nội dung chính trong ngày làm việc thứ 2 của HĐND Thành phố Hà Nội diễn ra ngày 5/12.

Tăng phí, ai thụ hưởng?

Theo tờ trình “Sửa đổi bổ sung quy định thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP Hà Nội”, UBND TP Hà Nội đề xuất: Từ ngày 1/1/2018 tới, mức thu phí sử dụng lòng đường, hè phố để trông giữ tạm thời phương tiện giao thông sẽ được điều chỉnh cả về mức thu và hình thức thu. Cụ thể, mức phí sẽ tăng gấp 3 lần tại khu vực lõi đô thị gồm 12 tuyến phố bảo tồn cấp I trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và giảm dần theo hướng dịch chuyển ra các vành đai 1, 2, 3; bên ngoài Vành đai 3 sẽ giữ nguyên.

Phí sử dụng hè, đường sẽ được thu theo diện tích sử dụng thực tế (m2/tháng) với các điểm trông giữ tạm trên hè, đường; thu theo % doanh thu đối với mô hình trông giữ ứng dụng công nghệ thông tin – iParking. Liên quan đến vấn đề này, ĐB Hoàng Huy Được đặt câu hỏi: “Khi tăng phí ai là người sẽ được thụ hưởng và TP sẽ thu về được bao nhiêu tiền từ mức phí này?”. Ông Được cho rằng, việc thu phí nhằm tái đầu tư cho lòng đường, vỉa hè là cần thiết nhưng nên cho đấu thầu sử dụng lòng đường, vỉa hè trông giữ phương tiện.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho rằng, TP đã thông qua nhóm các giải pháp để giảm thiểu ùn tắc giao thông, trong đó có các biện pháp kinh tế. Không nên đặt vấn đề là thu được bao nhiêu từ việc tăng giá phí mà nên coi đó như giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc cho khu vực trung tâm. Tuy nhiên ông Nam cho rằng cần phải tăng cường kiểm tra, siết chặt quản lý đối với tình trạng trông giữ phương tiện tự phát, thu quá giá tràn làn hiện nay.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định, điều chỉnh giá trông giữ phương tiện là để hạn chế phương tiện cá nhân, đặc biệt là khu vực lõi đô thị. Điều tiết nguồn thu từ giá trông giữ về ngân sách TP, tránh tình trạng người trông giữ trục lợi từ chính sách nên cần thiết phải tăng phí sử dụng hè, đường.

Ông Viện cũng thẳng thắn cho biết, hiện giá trông giữ xe theo quy định của TP chỉ là 2.000 đồng đối với xe đạp, 5.000 đồng đối với xe máy và 20.000 - 30.000 đồng đối với ô tô. Tuy nhiên thực tế là các điểm trông giữ đã thu cao hơn từ lâu. Việc tăng giá trông giữ lên tiệm cận với giá thực tế trên thị trường hiện nay là cần thiết.

Giảm hơn 7.400 biên chế vào năm 2018

Về vấn đề biên chế, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng cho biết, năm 2017 được coi là lần kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế lớn nhất từ trước đến nay của Hà Nội. Đây là một trong những địa phương đầu tiên triển khai quyết liệt và thành công, được Trung ương và dư luận đánh giá rất cao. Theo đó, rất nhiều đơn vị được sáp nhập, sắp xếp lại như sắp xếp 70 ban quản lý dự án đầu tư xây dụng thành 41 ban quản lý dự án (giảm 41,4%). Hoàn thành tổ chức lại Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Quỹ Đầu tư phát triển TP, Quỹ Phát triển đất TP, Quỹ Bảo vệ môi trường trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Sáp nhập 4 ban bồi thường giải phóng mặt bằng 4 quận trung tâm. Sáp nhập Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng và Chi nhánh phát triển quỹ đất thành Trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc UBND cấp huyện quản lý. Sáp nhập Trung tâm sát hạch để cấp phép lái xe trực thuộc Sở Giao thông vận tải vào Tổng Công ty Vận tải Hà Nội....

Về tinh giản biên chế, TP đã tinh giản được 1.267 biên chế, gồm 282 biên chế công chức, 668 biên chế viên chức do sắp xếp tổ chức bộ máy, 317 biên chế theo phương án chuyển đơn vị sự nghiệp sang công ty cổ phần. TP cũng đã giải quyết 551 trường hợp nghỉ tinh giản theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP. Về chuyển các đơn vị sự nghiệp sang cơ chế tự chủ và công ty cổ phần: Đã chuyển thêm được 5 đơn vị tự chủ kinh phí thường xuyên với 1.145 biên chế viên chức. Chuyển được 95 đơn vị sang tự chủ, với 6.635 biên chế viên chức.

Nguyên Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/xa-hoi/ha-noi-giam-bien-che-tang-phi-via-he-387967