Hà Nội giải thích vì sao giá bán nước sạch của Nhà máy nước mặt sông Đuống là 10.246 đồng/m3

Chiều 12-11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức buổi họp báo thông tin về Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống.

 Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội).

Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội).

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Võ Tuấn Anh, Phó chánh văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết, Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống được đầu tư gần 5.000 tỷ đồng (giai đoạn 1) trên diện tích 64,2ha với mục tiêu cung cấp nước sạch khu vực phía Đông Bắc và phía Nam TP Hà Nội bao gồm các quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Hà Đông... Quy mô dự án giai đoạn 1 đạt công suất 300.000m3/ngày đêm, giai đoạn 2 đến năm 2025 sẽ đạt công suất 600.000m3/ngày đêm và giai đoạn 3 đến năm 2030 sẽ đạt công suất 900.000m3/ngày đêm. Dự án bắt đầu khởi công từ tháng 3-2017 đến tháng 10-2019 đã hoàn thành xong giai đoạn 1 vượt tiến độ so với chủ trương thành phố đề ra. Đây dự án công trình cấp 1 nên theo quy định việc thẩm định, nghiệm thu đưa vào sử dụng dự án này thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng. Hiện nay, TP Hà Nội đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng liên quan nghiệm thu, quyết toán giai đoạn 1 của dự án, trên cơ sở đó triển khai tiếp giai đoạn 2.

Ông Hoàng Cao Thắng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội phát biểu tại buổi họp báo.

Trả lời về chất lượng nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống, ông Hoàng Cao Thắng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, nhà máy được đầu tư quy trình công nghệ lọc nước tiên tiến nhất hiện nay theo tiêu chuẩn châu Âu và chất lượng nước bảo đảm uống nước tại vòi theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Về vấn đề cấp nước mạng vòng, trong kế hoạch và chủ trương đầu tư TP Hà Nội cũng như Sở Xây dựng đã có phương án tính toán làm thế nào để đường nối truyền dẫn có thể đấu nối các nguồn nước lại với nhau trong trường hợp gặp sự cố có nguồn nước thay thế. Liên quan đến hệ thống truyền dẫn để bảo đảm nước sạch tại vòi, ông Hoàng Cao Thắng cho rằng, phải bảo đảm cả một hệ thống, quy trình từ nhà máy đến hệ thống truyền dẫn và hệ thống bể chứa tại nhà dân, các khu dân cư đúng tiêu chuẩn. Sở Xây dựng cũng đã chỉ đạo các đơn vị cấp nước có phương án thay thế hệ thống truyền dẫn cấp nước cũ không còn bảo đảm tiêu chuẩn.

Ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội phát biểu tại buổi họp báo.

Trả lời về quy định giá bán nước sạch tối đa của Nhà máy nước mặt sông Đuống tạm tính là 10.246 đồng/m3 chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (từ tháng 7-2017) dựa trên cơ sở nào, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội lý giải, theo Nghị định số 117/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định giá nước sạch phải được tính đúng, tính đủ, sử dụng chi phí hợp lý giá thành toàn bộ quy trình sản xuất phân phối tiêu thụ để đơn vị cấp nước duy trì và phát triển trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc ban hành có mức lợi nhuận hợp lý. Do vậy việc xác định giá 10.246 đồng trên cơ sở một số nguyên tắc sau: Đối với phần hao phí để tính toán được dựa trên Quyết định số 590/QĐ-BXD ngày 30-5-2014 của Bộ Xây dựng ban hành định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến nước sạch; đối với chi phí liên quan đến khấu hao và lãi vay được tính trên tổng mức đầu tư được duyệt tại số 2869/QĐ-UBND năm 2016 của UBND TP Hà Nội và việc phân bổ được thực hiện theo Thông tư 45/2013/TT-BTC năm 2013 của Bộ Tài chính; đối với chi phí sửa chữa bảo dưỡng được xác định theo Thông tư 03/2017/TT-BXD năm 2017 của Bộ Xây dựng; về chi phí quản lý doanh nghiệp được tạm tính ở mức 5% đây là mức thấp nhất so với các doanh nghiệp hiện nay (Nhà máy nước mặt sông Đà hiện đang tính ở mức 8,7%); chi phí bán hàng tạm tính là 1% (tương đồng với Nhà máy nước mặt sông Đà)... Trên cơ sở những nguyên tắc tính toán theo quy định tại Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT năm 2012 của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì tính ra mức 10.246 đồng và mức này chỉ là tạm tính tối đa, còn mức cụ thể sẽ được xác định sau khi nhà máy đi vào hoạt động và quyết toán chính thức lúc đó các khoản chi phí sẽ được xác định chính thức.

Về nội dung trợ giá nước sạch, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội giải thích, theo Nghị định 32/2019/NĐ-CP năm 2019 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng các dịch vụ công ích thì nước sạch đô thị không còn nằm trong danh mục của Nghị định 32. Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội đã báo cáo và xin ý kiến của Bộ Tài chính và đã được Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn tháng 9-2019, trong đó có đề nghị Thành phố thực hiện việc xác định giá theo Nghị định số 117/2017/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, theo khoản 8, điều 51, Nghị định số 117/2017/NĐ-CP của Chính phủ trường hợp giá nước sạch mà được quyết định thấp hơn so với phương án giá nước tính đúng, tính đủ thì UBND cấp tỉnh xem xét cấp bù từ ngân sách địa phương để bảo đảm quyền lợi và lợi ích hợp pháp của đơn vị cấp nước. Như vậy đối với trường hợp khi thành phố xác định giá tính đúng, tính đủ mà trường hợp giá bán thành phố quyết định thấp hơn giá thành của các đơn vị thì sẽ được cấp bù. Đến thời điểm hiện tại thì xác định giá chính thức chưa thực hiện được bởi vì do dự án chưa được quyết toán chính thức nên thành phố chưa có một khoản kinh phí cấp bù nào.

Tin, ảnh: LA DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/ha-noi-giai-thich-vi-sao-gia-ban-nuoc-sach-cua-nha-may-nuoc-mat-song-duong-la-10-246-dong-m3-599752