'Hà Nội giải phóng'

Tới thăm Bảo tàng Hà Nội (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) dịp gần đây, chúng tôi thấy một bản nhạc được treo trang trọng tại góc trưng bày. Đó là bản nhạc ca khúc: 'Hà Nội giải phóng' của nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ (Đỗ Quyên), người được mệnh danh là 'Beethoven của Việt Nam'.

 Bản nhạc “Hà Nội giải phóng” được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Hà Nội.

Bản nhạc “Hà Nội giải phóng” được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Hà Nội.

Thời thơ ấu, nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ học ở trường dòng, mặc dù chỉ học bổ túc âm nhạc hai năm, nhưng ông đã nỗ lực tự học để vươn lên. Năm 2017, ông được trao Giải thưởng Nhà nước cho các tác phẩm khí nhạc, cụm ca khúc, hợp xướng… do những đóng góp xuất sắc cho nền âm nhạc Việt Nam. Tìm gặp nhạc sĩ, chúng tôi được nghe ông kể lại hoàn cảnh ra đời bài hát ý nghĩa này 66 năm trước, trong những ngày thu lịch sử của Thủ đô, tháng 10-1954.

Ngày ấy, ngoài thời gian là một giảng viên giảng dạy ở Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ còn đảm nhiệm chức danh Ủy viên thường trực Thành đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội. Nhiệm vụ của ông lúc ấy là tổ chức các hoạt động tuyên truyền, đấu tranh cách mạng của thanh niên nội thành. “Qua tổ chức, từ sau ngày giải phóng Điện Biên, chúng tôi đã biết ngày giải phóng Thủ đô đã đến rất gần. Công tác đón đoàn quân chiến thắng trở về được thanh niên, học sinh Thủ đô chuẩn bị bí mật nhưng hết sức sôi nổi. Các đồng chí lãnh đạo thành đoàn lúc ấy đã đề nghị tôi sáng tác một ca khúc để chuẩn bị mừng ngày giải phóng”-nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ chia sẻ.

Thực hiện chỉ thị của cấp trên, cũng là khát khao của người nhạc sĩ trẻ muốn sáng tác một bài hát thật ý nghĩa về Ngày giải phóng Thủ đô, Nguyễn Văn Quỳ ngày đêm suy nghĩ, trăn trở tìm tứ cho ca khúc mới. Chỉ sau vài ngày tìm ý tưởng, những nốt nhạc đầu tiên với nhịp điệu hành khúc đã hình thành trong ông: “Hà Nội ơi! Vui lên Hà Nội ơi! Qua tám năm sống nhục nhằn u buồn, ngày nay ta ra thoát vòng tăm tối…”.

Bài hát sau đó nhanh chóng được phổ biến trong các nhóm thanh niên Cứu quốc Thủ đô. Ban đầu được tổ chức học theo các nhóm nhỏ, rồi được nhân rộng cho các nhóm khác. Sau một thời gian, nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ đã tổ chức được một ban đồng ca khoảng 200 người. Ngày đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô, 10-10-1954, mang theo cờ đỏ sao vàng, dàn đồng ca của Thành đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội đã tập trung ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, gần Hồ Gươm hát vang những bài ca cách mạng. Và bài hát “Hà Nội giải phóng” đã vang lên trong không khí náo nức, hân hoan của ngày vui chiến thắng, đánh dấu cho sự sang trang của lịch sử Thủ đô.

Bài và ảnh: THỦY TIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/ha-noi-giai-phong-614110