Hà Nội 'giải cứu' hàng loạt cầu yếu mất ATGT

Hàng loạt công trình cải tạo, nâng cấp cầu yếu tại các huyện ngoại thành Hà Nội đưa vào khai thác, góp phần phát triển KT-XH các địa phương.

Cầu Chiếc sau khi được xây dựng người dân đi lại an toàn hơn

Cầu Chiếc sau khi được xây dựng người dân đi lại an toàn hơn

Hàng loạt cầu mới khang trang hơn sau nâng cấp, cải tạo

Có mặt tại cầu Chiếc ở vị trí Km8 + 255 Tỉnh lộ 427, thuộc địa bàn xã Hiền Giang (Thường Tín, Hà Nội), ghi nhận của PV Báo Giao thông, trái với cảnh xuống cấp, nguy cơ gãy sập mấy năm trước, hiện cầu Chiếc có diện mạo hoàn toàn mới.

Cây cầu cũ nát đã được thay thế bởi cầu mới khang trang, hiện đại hơn. Đơn vị quản lý cũng tháo bỏ barie hạn chế chiều cao tối đa (2,1m) đối với phương tiện qua cầu. Các phương tiện lưu thông qua cầu thuận tiện, dễ dàng hơn.

Ông Nguyễn Văn Giáp (thôn Hiền Nhân, xã Hiền Giang) cho biết: “Cầu Chiếc nằm trên tỉnh lộ 427 nối hai huyện Thường Tín với Thanh Oai.

Thời gian cầu xuống cấp, chúng tôi ngày đêm lo sợ cầu sập, nhưng hàng ngày vẫn phải đi lại vì đây là cầu độc đạo để lưu thông. Tuy nhiên, cầu vừa được sửa chữa và hoàn thành khoảng 3 tháng nay giúp người dân chúng tôi đi lại yên tâm hơn”.

Tương tự, cầu Ngọc Hồi thuộc địa bàn huyện Thanh Trì nằm trên tuyến QL1A do nhỏ hẹp, xuống cấp nghiêm trọng, đã nhiều năm là “điểm đen” thường xuyên ùn tắc và tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Tuy nhiên, khi cây cầu hoàn thành sửa chữa, cải tạo năm 2019, “điểm đen” này đã được xử lý dứt điểm. Các phương tiện lưu thông qua đây thuận lợi hơn.

Cầu Phú Tiên vượt sông Nông Giang cũng được hoàn thành vào tháng 9/2019 nối thông hai huyện Phú Xuyên của Hà Nội với huyện Duy Tiên của tỉnh Hà Nam cũng giúp giao thương giữa hai địa phương được thuận lợi.

Cầu Ái Mỗ cũ, nằm trên địa bàn thị xã Sơn Tây có chiều rộng khoảng 12m, nằm trong khu vực nội thị. Trong khi đó, tuyến QL21 nối liền lại có chiều rộng 35m, tại đây hình thành nút thắt cổ chai nguy hiểm, đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn và ùn tắc giao thông giờ cao điểm.

Do đó, tại đây cũng đang được xây dựng một cây cầu mới đảm bảo an toàn. Cầu có tổng mức đầu tư hơn 122 tỷ đồng từ ngân sách TP Hà Nội. Thời gian thi công khoảng 15 tháng và dự kiến hoàn thành khoảng cuối năm 2020.

Hoàn thành 30/34 cầu yếu

Theo Sở GTVT, ngoài 34 cầu yếu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện, trong năm 2019, UBND các huyện Chương Mỹ, Thạch Thất, Phúc Thọ và Phú Xuyên đã chủ động kiểm tra, đề xuất UBND TP Hà Nội hỗ trợ để cải tạo, sửa chữa 26 cầu yếu trên địa bàn.

Trong đó có 6 cầu thuộc huyện Phúc Thọ; 2 cầu thuộc huyện Thạch Thất; 9 cầu thuộc huyện Phú Xuyên và 9 cầu thuộc huyện Chương Mỹ.

Tìm hiểu của PV, từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ có văn bản về việc áp dụng hình thức chỉ định thầu các gói thầu tư vấn và xây lắp đối với 34 công trình vượt sông mang tính cấp bách trên địa bàn các huyện ngoại thành Hà Nội.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, đến nay Hà Nội đã hoàn thành 30/34 cầu yếu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thanh, việc hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác hàng loạt dự án thay thế cầu yếu góp phần từng bước hoàn thiện, kết nối mạng lưới hạ tầng giao thông nông thôn, đảm bảo an toàn và rút ngắn thời gian đi lại của người dân, góp phần giảm thiểu ùn tắc và TNGT.

“4 cầu yếu còn lại trên địa bàn TP Hà Nội gồm: Cầu Trại Gà vượt mương thủy lợi huyện Đông Anh, cầu Trắng vượt sông Nhuệ (quận Hà Đông), cầu Hoàng Thanh vượt Sông Đáy (nối hai huyện Chương Mỹ và Thanh Oai) và cầu vượt sông Nhuệ trên đường Dịch Vọng - Phú Mỹ - Cầu Diễn nối ra QL32 (quận Nam Từ Liêm)”, ông Thanh nói.

Trong số 4 cầu nói trên, cầu Trại Gà không có trong quy hoạch, đã được củng cố để khai thác bảo đảm ATGT. Cầu Trắng, sau khi các cơ quan chức năng tổ chức kiểm định, đã xác định kết cấu chính vẫn đáp ứng yêu cầu khai thác, nên đã được củng cố và khai thác an toàn.

Hai cầu khác là Hoàng Thanh và cầu vượt sông Nhuệ đến nay vẫn chưa thực hiện. Đối với cầu Hoàng Thanh, trong quá trình chuẩn bị đầu tư chưa thỏa thuận được với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các thông số kỹ thuật do quy hoạch thoát lũ sông Đáy và Luật Đê điều.

Bởi nếu theo quy hoạch thoát lũ phải làm cầu từ đê đến đê sẽ dẫn đến cầu dẫn dài gấp nhiều lần cầu chính, kinh phí xây dựng rất lớn, khó có thể thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

Với cầu vượt sông Nhuệ trên đường Dịch Vọng - Phú Mỹ - Cầu Diễn, do vướng công tác GPMB, nên đến nay chưa thực hiện được. Hiện nay Ban Quản lý các dự án công trình giao thông TP Hà Nội đang lập chủ trương đầu tư điều chỉnh trình phê duyệt để làm căn cứ thực hiện.

Nói về kinh phí thực hiện các hệ thống cầu này, ông Thanh cho biết, hình thức đầu tư cải tạo sửa chữa các cầu yếu chủ yếu là đầu tư xây dựng công trình mới thay thế công trình cũ đã xuống cấp.

Kinh phí đầu tư xây dựng của từng công trình cầu phụ thuộc vào quy mô, sơ đồ kết cấu nhịp cũng như các yếu tố địa chất, thủy văn. Đơn cử năm 2019, TP đã cải tạo cầu Chiếc bằng bê tông cốt thép và lan can có tổng giá trị hơn 2 tỷ đồng.

Lê Tươi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ha-noi-giai-cuu-nhieu-cau-yeu-mat-atgt-d453087.html