Hà Nội ghi nhận 228 ca sốt xuất huyết mới trong tuần qua

Số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết tại Hà Nội đang tiếp tục tăng trong những ngày vừa qua. Lý do là bởi điều kiện thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho dịch bệnh này phát triển.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 31/8 đến 6/9, toàn thành phố đã ghi nhận 228 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue, phân bố tại tại 106 xã, phường, thị trấn. Trong đó, có 1 trường hợp tử vong tại quận Hoàn Kiếm.

Từ đầu năm 2020 tới nay, Hà Nội có tổng cộng 1.802 ca sốt xuất huyết, 2 ca tử vong. Con số này giảm so với cùng kỳ của năm trước (cùng kỳ năm 2019, toàn thành phố ghi nhận 3.626 trường hợp).

Sở Y tế cho biết, các ca mắc tập trung tại một số quận huyện vùng ven như Thường Tín (38 ca), Nam Từ Liêm (35 ca), Thanh Oai (13 ca), Đan Phượng (12 ca).

Số lượng bệnh nhân đang tiếp tục tăng do điều kiện thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho dịch bệnh này phát triển.

Trước tình hình đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố và Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tổ chức khoanh vùng, điều tra, vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực phát sinh ổ dịch sốt xuất huyết.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân cùng phối hợp thực hiện phòng chống dịch, không chủ quan với dịch bệnh.

Bệnh sốt xuất huyết lây truyền qua đường muỗi đốt - Hình minh họa

Bệnh sốt xuất huyết lây truyền qua đường muỗi đốt - Hình minh họa

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh lây truyền qua đường muỗi đốt, do virus Dengue gây nên, xuất hiện ở các quốc gia vùng nhiệt đới. Tại Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết Dengue thường gây thành dịch vào giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm. Trong đó đỉnh dịch vào khoảng tháng 8, tháng 9.

Theo TS.BS. Nguyễn Thanh Vân – Trưởng Khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), đặc trưng của sốt xuất huyết là sốt cao đột ngột, kèm theo những triệu chứng không đặc hiệu khác, bao gồm đau đầu vùng trán, đau sau hốc mắt, đau mỏi thân mình, buồn nôn, nôn, đau khớp, yếu người và ban xuất huyết. Bệnh nhân cũng có thể biếng ăn, nhạt miệng, đau họng nhẹ.

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn tiến đến giai đoạn nặng. Lúc này, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có thể sốc nặng, xuất huyết nặng, cô đặc máu, giảm huyết áp, suy đa tạng, có thể dẫn tới tử vong.

Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị cho sốt xuất huyết Dengue, điều trị bằng thuốc chỉ là điều trị hỗ trợ, tức là làm giảm triệu chứng sốt, ho, sổ mũi, đau nhức; giảm biến chứng và nâng đỡ thể trạng cho bệnh nhân. Bệnh cũng chưa có vắc xin dự phòng.

TS.BS Nguyễn Thanh Vân cảnh báo, khi sốt kèm các dấu hiệu dưới đây, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để được sàng lọc sốt xuất huyết kịp thời: tự nhiên bồn chồn, kích thích vật vã hoặc li bì; nôn tăng; đột ngột đau bụng, dần tăng cảm giác đau; tiểu ít, số lần đi tiểu và lượng nước tiểu giảm dần; có biểu hiện chảy máu như chảy máu chân răng, chảy máu cam...

“Đặc biệt, người cao tuổi, người có bệnh lý nền cần được thăm khám sớm, tránh những diễn biến bất thường, khó kiểm soát”, bác sĩ Vân nhấn mạnh.

Chuyên gia cũng đưa ra lưu ý, người dân tuyệt đối không nên tự ý truyền dịch khi bị sốt xuất huyết. Nếu không được nhân viên y tế theo dõi, điều chỉnh, người bệnh có thể bị sốc khi truyền dịch, dẫn đến nguy cơ tử vong rất cao.

Nguyễn Liên

Cách cài đặt Bluezone giúp cảnh báo người nghi nhiễm Covid-19

Bộ TT&TT và Bộ Y tế vừa thống nhất triển khai trên phạm vi toàn quốc ứng dụng Bluezone để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ứng dụng này giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.

Link tải Bluezone trên Android Link tải Bluezone trên iOS

Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/ha-noi-ghi-nhan-228-ca-sot-xuat-huyet-moi-trong-tuan-qua-672440.html