Hà Nội: Gắn kết di sản cha ông với du lịch làng nghề truyền thống

Ngôi đình làng Nguộn với 29 đạo sắc phong gắn với những danh tích của các vị anh hùng, thành hoàng cùng với bao thăng trầm của làng quê có thể được gắn kết trong hành trình khám phá mảnh đất 'danh hương', 'trăm nghề' Thường Tín (Hà Nội).

Các bậc cao niên trong làng trân trọng 29 đạo sắc phong của cha ông.

Các bậc cao niên trong làng trân trọng 29 đạo sắc phong của cha ông.

Niềm tự hào của làng

Đặt ngay trên đường Quốc lộ 1A, nối giữa làng nghề gỗ Vạn Điểm với phố thị sầm uất nhưng đình làng Nguộn (thôn Nguyên Hanh, xã Văn Tự, huyện Thường Tín, Hà Nội) vẫn giữ được vẻ đẹp bình yên, cổ kính. Sân đình rêu phong với tán cây xanh mát, đường đi làm bằng gạch Bát Tràng dẫn lối cho du khách tới thăm và tìm hiểu về “kho báu” của làng - 29 bản sắc phong của 10 đời Hoàng Đế các triều đại như vua Lê Dụ Tông, Lê Đế, Quang Trung, Quang Toản, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định … ban tặng.

Dù tuổi đã cao nhưng cụ Lê Mộc (83 tuổi), người xóm Vàng, thôn Nguyên Hanh, xã Văn Tự vẫn giữ được sự nhanh nhẹn và nhiệt huyết khi dẫn du khách tham quan đình làng. Mặc dù trải qua sự mài mòn của thời gian, sự tàn phá của thiên tai, chiến tranh loạn lạc, cho đến ngày nay đình làng Nguộn vẫn lưu giữ được nhiều dấu tích xưa, từ những hình điêu khắc, hoành phi cổ, cũng là nơi lưu giữ ký ức bao đời của dân làng. “Ngôi đình này hiện thờ 5 vị tướng quân thuộc nhiều triều đại được coi là Ngũ vị Đại Vương, trong đó có một vị là Thượng Đẳng Thần, bốn vị còn lại là Trung Đẳng Thần. Mỗi một vị Thành hoàng lại gắn với một sự tích đầy ly kỳ và chiến công hiển hách…”, cụ Lê Mộc tự hào nói.

Trên bức tường đã vương dấu thời gian, trí nhớ của ông lão đã trải qua 8 thập kỷ vẫn nói chính xác về các đạo sắc phong từ thời Hậu Lê, Tây Sơn hay triều Nguyễn. Theo lời giới thiệu của cụ, trong Ngọc phả của đình Nguộn có ghi, vị thành hoàng đầu tiên là Tôn thần Đức Đại Vương họ Bùi tên húy là “Tả Tòng Ngôn, Hữu Tòng Chích”. Ông là người của làng Nguộn, được phong làm tướng quân thuộc triều đại Triệu Việt Vương, sau khi có nhiều chiến công giúp Nhà vua lấy lại thành Long Biên (tức Thăng Long) đã xin rút về sống cuộc đời điền viên, thôn dã chốn quê hương. “Sau khi ngài trăm tuổi về trời, người già trong làng mộng thấy Đức Đại Vương ngồi trên xa giá đi tuần hành khắp hương ấp (làng xã), trước sau đều có binh sĩ hộ tống. Từ đó nhân dân đã lập đền thờ Ngài. Tương truyền ngôi đền rất thiêng, cầu đảo gì cũng linh”, cụ Lê Mộc giải thích về lịch sử của ngôi đình làng mình.

Không gian thanh bình của đình làng Nguộn.

Theo hướng tay cụ chỉ về hai bản sắc phong treo trang trọng trên tường, những người khách được nghe những sự tích ly kỳ về hai vị thành hoàng làng. “ Đây là nhị vị Đại vương thuộc triều đại Hùng Vương, là do hai vị thần đầu thai làm anh em song sinh, từng gọi huynh xưng đệ với Đức sơn thánh Tản Viên và là bậc công thần của đất nước đã cùng nguyên soái Sơn Thánh có công dẹp yên loạn quân Thục Phán được sắc phong là Tây An Tây Ngạn Đại Vương và Ngũ Lôi Dũng Mãnh Đại Vương, được vua Hùng cho phép lập Linh Từ tại xã Vân Trai. Cho đến các triều đại sau này như: Đinh, Lê, Lý, Trần tương truyền đều được hai Đại Vương hiển linh giúp đỡ”…

Cùng với 29 đạo sắc phong ấy là câu chuyện về lịch sử của làng, lòng tự hào của người dân Nguyên Hanh về những vị anh hùng đã hết lòng vì nước vì dân, chăm lo cho đời sống của người dân. Đây cũng là điểm tựa tinh thần để cho dân làng cầu mong những điều tốt đẹp, được che chở khỏi thiên tai địch họa suốt bao nhiêu thế kỷ.

Gắn kết cùng du lịch

Nhân dân thôn Nguyên Hanh các đời vẫn luôn tôn kính thành hoàng Ngũ vị đại vương được thờ phụng trong đình làng. Không chỉ lưu giữ những di vật vô giá, là một phần minh chứng của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, các thế hệ trong thôn cũng mong muốn nơi đây trở thành một không gian giới thiệu về truyền thống tốt đẹp của quê hương, gắn di sản với du lịch để tạo nên một điểm nhấn cho du khách khi về với mảnh đất “danh hương”, “trăm nghề” Thường Tín.

Không gian linh thiêng của đình

Với những lợi thế về du lịch văn hóa - làng nghề, du lịch sinh thái - nông thôn, du khách có thể khám phá mảnh đất Thường Tín với những chuỗi mắt xích quan trọng là các công trình tôn giáo, tín ngưỡng lên tới hơn 460 công trình, trong đó có đình Nguộn. Gắn với di tích là các lễ hội tiêu biểu đặc sắc như lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung, lễ hội làng Từ Vân, lễ hội chùa Mui, lễ hội Chùa Đậu, lễ hội Đền Bộ Đầu…đặc trưng của văn hóa đồng bằng Bắc Bộ.

Đạo sắc phong được treo trân trọng để giới thiệu cho du khách.

Chị Nguyễn Thị Thu Huyền (Phố Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, dù chưa có một công ty du lịch nào tổ chức tour, nhưng có duyên về với Thường Tín, chị đã khám phá được những điều mới mẻ, giá trị và độc đáo trên mảnh đất này. Đó là một chương trình tìm hiểu lịch sử quê hương tại đình Nguyên Hanh, rồi tới làng nghề gỗ Vạn Điểm ngay cạnh, rồi trải nghiệm không gian làng nghề và làm các sản phẩm đặc trưng như lược sừng Thụy Ứng, bánh dày Quán Gánh, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động… “Cảm nhận được sự tự hào của những người dân sinh sống tại vùng quê giàu truyền thống văn hóa, nơi sinh ra nhiều danh nhân văn hóa, nhiều vị khoa bảng, nhiều tấm gương anh hùng hay tìm hiểu về mảnh đất trăm nghề… là những ấn tượng đọng lại sau một ngày khám phá Thường Tín”, chị Huyền chia sẻ.

Đánh giá tiềm năng có thể trở thành một trong chuỗi liên kết để xác định thế mạnh và tiềm năng phát triển du lịch của huyện Thường Tín là du lịch sinh thái và du lịch tâm linh gắn liền với làng nghề truyền thống, dân làng đã xây dựng nên những công trình để có thể bảo quản tốt hơn các sắc phong, cùng với đó là tạo dựng không gian để các thế hệ trẻ trong làng được tới tìm hiểu về lịch sử quê hương mình, với kỳ vọng có những “giờ học di sản” ngay trên mảnh đất quê cha đất tổ. Đồng thời mong muốn dịp lễ hội không chỉ là dịp để con cháu trong làng trở về dâng hương mà còn là dịp để nhân dân thập phương được tới tham quan, trải nghiệm cùng bà con địa phương.

Phúc Minh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/gan-ket-di-san-cha-ong-voi-du-lich-lang-nghe-truyen-thong-72457