Hà Nội dự kiến đạt, vượt kế hoạch các chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Năm 2018, dự kiến 20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của thành phố (TP) Hà Nội đều đạt và vượt kế hoạch, trong đó, thu ngân sách vượt dự toán, 8 chỉ tiêu kinh tế - xã hội vượt kế hoạch. Đối với 17 chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020, dự kiến 3 chỉ tiêu đạt sớm 2 năm…

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh:TA).

Đánh giá định kỳ hàng tuần, tháng, quý, năm tới từng cán bộ

Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 tại Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVI tổ chức ngày 28/11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết: Với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận, sự cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, kinh tế - xã hội năm 2018 đạt được kết quả nổi bật.

Tất cả 20/20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 dự kiến đều đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, thu ngân sách vượt dự toán, 8 chỉ tiêu kinh tế - xã hội vượt kế hoạch. Đối với 17 chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020, dự kiến 3 chỉ tiêu đạt sớm 2 năm; 12 chỉ tiêu tiếp tục thực hiện và dự kiến hoàn thành kế hoạch…

Kinh tế Hà Nội tiếp tục tăng trưởng khá và phát triển đúng hướng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, các cân đối lớn về kinh tế được đảm bảo, tạo nguồn lực cho phát triển. Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn ước 7,37%, cao hơn mức bình quân chung cả nước (mức dự kiến là 6,7%); quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 904,5 nghìn tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 113 triệu đồng, tương đương 4.910 USD. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp, xây dựng và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp.

Hà Nội hiện đang dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ước đạt 6,5 tỷ USD, tăng 189% so với năm 2017 và tăng 185% so với kế hoạch năm. Con số này khiến Hà Nội dự kiến đứng đầu cả nước và cao nhất kể từ 30 năm thực hiện chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài. Số dự án đầu tư còn hiệu lực là 4.350 dự án với tổng vốn đăng ký trên 33 tỷ USD.

Bên cạnh đó, TP đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, như thực hiện mô hình cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng; triển khai diện rộng quy trình trả kết quả đăng ký doanh nghiệp tại nhà/trụ sở... Ước tính năm 2018, cấp Giấy chứng nhận đăng ký cho 25.742 doanh nghiệp với số vốn 280,1 nghìn tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên 255.280 doanh nghiệp.

Cùng với đó, an sinh xã hội được đảm bảo; sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển. Thực hiện năm chủ đề "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị" với nhiều chuyển biến rõ nét. Thành phố đã tập trung đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Năm 2018, đã thực hiện 12 đợt tinh giản biên chế với 695 người…

Thành ủy Hà Nội đánh giá, trong kết quả chung đó, cải cách hành chính có nhiều chuyển biến, đồng bộ giữa cải cách thủ tục và cải cách bộ máy, thể chế; kỷ cương hành chính được củng cố, chất lượng thực thi pháp luật được nâng cao. Hà Nội là địa phương đầu tiên ban hành quy định về việc thực hiện cơ chế "một cửa" và "một cửa liên thông" đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã cung cung ứng dịch vụ công. Qua rà soát, Hà Nội đã đơn giản hóa đối với 61 thủ tục hành chính thuộc 7 lĩnh vực quản lý nhà nước.

Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm, tính từ tháng 8/2017 đến 31/7/2018 đã có 1.074 cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị thực hiện chuyển đổi vị trí công tác. Hà Nội hiện có trên 121 nghìn công chức, viên chức, còn thiếu so với biên chế được giao trên 22 nghìn người. Thành phố đã thực hiện hệ thống lập kế hoạch và đánh giá định kỳ (hàng tuần, tháng, quý, năm) tới từng cán bộ, công chức theo đúng đề án vị trí việc làm. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong giải quyết công việc, nâng cao sự chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ.

Phát triển có sự đột phá

Làm rõ thêm một số kết quả kinh tế - xã hội trong năm 2018, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết: Cơ cấu kinh tế năm 2018 chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp, xây dựng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp (dự kiến tỷ trọng ngành dịch vụ và thuế sản phẩm là 67,3%; công nghiệp, xây dựng 29,9%; nông, lâm, thủy sản là 2,8%)…. Năm 2018, tỉ trọng đầu tư FDI và phần mềm công nghiệp có sự đột biến. Sở đã thẩm định xong 15 cụm công nghiệp, đang thẩm định 9 cụm công nghiệp trong đó có 3 cụm công nghiệp tập trung ở Phúc Thọ, Chương Mỹ, Sơn Tây vừa phát triển công nghiệp làng nghề vừa phát triển công nghiệp tập trung. Điều đó cho thấy hướng phát triển của thành phố có sự đột phá với nhịp độ tốt.

Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh:TA)

Về lĩnh vực thương mại, Giám đốc Sở Công thương cho hay, năm 2018, tổng mức bán lẻ của thành phố là 8,9%. Những cửa hàng tiện ích trước đây mức độ tiêu dùng kém thì hiện nay đã có mức tiêu dùng rất tốt; những cửa hàng có gắn biển đề án trái cây tăng thu 3-4%... Điều này cho thấy văn minh thương mại có chuyển dịch, người dân đã có thói quen mua hàng ở những nơi có nguồn gốc xuất xứ.

Đáng chú ý, theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khuất Văn Thành, năm 2018, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao nhằm bảo đảm an sinh xã hội, đạt nhiều kết quả đáng mừng. Thành phố đã xây dựng hệ thống sàn giao dịch việc làm trải khắp các quận, huyện, giúp nâng cao quan hệ cung - cầu lao động; đến nay đã giải quyết được 162.000 việc làm, vượt kế hoạch. Tỷ lệ lao động được đào tạo cũng đã đạt 63,6%, vượt chỉ tiêu của HĐND TP…

Theo Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện, năm qua, việc đầu tư các hạ tầng giao thông rất được quan tâm, với tổng mức đầu tư chiếm hơn 50% tổng mức đầu tư của TP. Thành phố đã phát huy hợp lý các hạ tầng giao thông vốn có, giảm đáng kể các điểm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Năm 2018, Hà Nội đã mở thêm 15 tuyến xe buýt đến 30 quận, huyện và hơn 400 phường, xã; từng bước xây dựng giao thông thông minh…

Làm rõ hơn về các kết quả trong lĩnh vực nông nghiệp, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, mặc dù ảnh hưởng thời tiết rất nặng nề nhưng nhờ sự chỉ đạo đồng bộ kịp thời nên giá trị ngành nông nghiệp tăng trưởng cao nhất trong những năm trở lại đây. Tiêu biểu, diện tích lúa tăng cao, các vùng chuyên canh tập trung. Ngành chăn nuôi phát triển tốt với số lượng đàn lợn, bò cao nhất trong các tỉnh thành. Đặc biệt việc chăn nuôi bò 3B, bò lagu… đang được đầu tư, hướng tới xây dựng thương hiệu bò Hà Nội… Với sự vào cuộc tích cực và các quận, huyện, năm 2018, số xã đạt chuẩn nông thôn mới của Hà Nội đã tăng lên 30 xã, vượt so với chỉ tiêu Đại hội và Chương trình 02 đưa ra…/.

Trung Anh

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/ha-no-du-kien-dat-vuot-ke-hoach-cac-chi-tieu-kinh-te-xa-hoi-506323.html