Hà Nội đồng bộ 4 nhóm giải pháp trong phát triển năng lượng tái tạo

Nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách giúp người dân, cơ quan, doanh nghiệp cùng tham gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường.

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều chính sách giúp người dân, cơ quan, doanh nghiệp cùng tham gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường.

Trong đó, Thành phố yêu cầu sử dụng nguồn sáng tiết kiệm năng lượng (đèn LED) trong hệ thống chiếu sáng công cộng. Đồng thời, ứng dụng chiếu sáng công nghệ LED thay thế đèn chiếu sáng giao thông và đèn chiếu sáng kiến trúc... Mới đây, để tăng cường hơn nữa công tác này, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 50/KH-UBND về phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố năm 2021.

 Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp phát điện Nedo thuộc Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn – Sóc Sơn – Hà Nội được xây dựng từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của của Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách thành phố Hà Nội.

Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp phát điện Nedo thuộc Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn – Sóc Sơn – Hà Nội được xây dựng từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của của Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách thành phố Hà Nội.

Để đạt mục tiêu phát triển điện mặt trời mái nhà tăng thêm khoảng 15MWp (bình quân 0,5 MWp/quận, huyện, thị xã) và phát triển nguồn năng lượng tái tạo (từ điện rác) khoảng 75MW trong năm 2021, Ủy ban nhân dân Thành phố triển khai thực hiện đồng bộ 4 nhóm giải pháp.

Theo đó, Hà Nội sẽ ban hành, áp dụng bộ cơ chế đặc thù của Thành phố nhằm khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển hệ thống điện năng lượng mặt trời trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trước mắt, Thành phố sẽ lựa chọn công nghệ xử lý rác có thu hồi năng lượng hiện đại, hiệu suất cao để phát điện tại các dự án đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn Thành phố.

Thành phố cũng ưu tiên lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại đối với các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà (tấm pin mặt trời có hiệu suất cao, thân thiện môi trường; bộ biến tần Inverter bảo đảm chất lượng điện năng nối lưới), có kết hợp với hệ thống tích trữ năng lượng.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất ban hành và áp dụng cơ chế đặc thù nhằm khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển hệ thống điện năng lượng mặt trời; nghiên cứu, xây dựng quy định việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo các trụ sở cơ quan ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, công an các phường, các trạm y tế, trường học... để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế để đầu tư, phát triển các dự án điện mặt trời, điện rác; tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, thông qua các hình thức đầu tư trực tiếp, hội thảo khoa học, nghiên cứu xây dựng phòng thử nghiệm hợp chuẩn.

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ha-noi-dong-bo-4-nhom-giai-phap-trong-phat-trien-nang-luong-tai-tao-119947.html