Hà Nội đón Noel trong không khí ô nhiễm nặng, trời sương mù mịt

Chất lượng không khí tại Hà Nội hôm nay (24/12) ở mức rất xấu biểu hiện qua chỉ số ô nhiễm toàn thành phố đều có màu đỏ quạch, thậm chí có khu vực xuất hiện màu tím. Bên ngoài, trời sương mù mịt…Các giải pháp cấp bách để giảm ô nhiễm không khí (do Bộ TN&MT kiến nghị):

Trời Hà Nội mù mịt hơi sương và ô nhiễm bụi mịn sáng ngày 24/12

Trời Hà Nội mù mịt hơi sương và ô nhiễm bụi mịn sáng ngày 24/12

Hôm nay (24/12), Hà Nội có một ngày tạnh ráo và nhiệt độ ấm áp, cao nhất đạt 25 độ C. Tuy nhiên, tạnh ráo ám áp không có nghĩa là tốt khi mà chất lượng không khí đang ở mức rất xấu.

Trên trang Pamair, chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội sáng nay cho thấy rất xấu, biểu hiện qua màu đỏ tràn ngập tất cả các điểm đo. Cá biệt, có địa điểm còn xuất hiện màu tím, ngưỡng nguy hiểm cao hơn màu đỏ.

Chất lượng không khí tại Hà Nội đến gần trưa vẫn có một màu đỏ quạch. Trước đó, trong buổi sáng còn có cả màu tím.

Ngoài trời, sáng nay sương mù dày đặc. Càng gần trưa, sương mù lại càng dầy hơn. Từ trên cao nhìn xuống, cả thành phố Hà Nội chìm dưới làn sương.

Không khí ô nhiễm nặng trở lại bắt đầu từ ngày hôm qua (23/12) sau 2 ngày cuối tuần tạm thời giảm mức độ nguy hại. Điều đáng chú ý, không chỉ riêng Hà Nội mà các tỉnh lân cận cũng lâm vào tình trạng chất lượng không khí tồi tệ. Bắc Ninh, Hưng Yên, Phủ Lý, Nam Định, Thái Nguyên đều có chỉ số bụi mịn PM2.5 rất cao và thể hiện qua màu đỏ ô nhiễm.

Điều đó cho thấy, nguyên nhân gây ô nhiễm không hoàn toàn là do giao thông và các hoạt động tại chỗ của Hà Nội gây ra. Nguyên nhân từ điện than là một trong những nghi vấn của nhiều chuyên gia về môi trường.

Các tỉnh lân cận Hà Nội cũng cho thấy chất lượng không khí rất xấu

- UBND các tỉnh, thành phố ưu tiên bố trí ngay nguồn lực đầu tư, lắp đặt bổ sung hệ thống các trạm quan trắc môi trường để tăng số lượng các trạm quan trắc, bảo đảm cập nhật, cung cấp thông tin kịp thời về các chỉ số môi trường không khí. Trong thời gian thực hiện các hoạt động đầu tư xây dựng bổ sung các trạm quan trắc, các địa phương cần tiến hành quan trắc thường xuyên, liên tục, định kỳ, tăng tần suất trong các thời điểm giao mùa. Bộ Y tế nghiên cứu, ban hành ngay khuyến cáo chính thức để người dân dự phòng, bảo vệ sức khỏe theo mức độ ô nhiễm môi trường không khí.

- Tổ chức và duy trì hoạt động phun nước rửa đường nhiều lần trong ngày tại các trục, tuyến đường giao thông chính của các đô thị, thành phố, đặc biệt là khi thời tiết hanh khô, lặng gió để hạn chế bụi phát tán. Thu gom triệt để rác, bụi bẩn trên các trục, tuyến, giải phân cách đường giao thông.

- Ban hành quy định kiểm soát chặt chẽ yêu cầu bảo vệ môi trường của các công trình xây dựng. Thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh (che chắn công trình, phun nước, rửa đường, rửa xe ra vào công trình v.v…). Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trường hợp cần thiết yêu cầu ngừng ngay hoạt động sửa chữa, xây dựng nếu không bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường. Cập nhật và công bố thường xuyên thông tin các cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn cho cộng đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Xây dựng và triển khai ngay kế hoạch vận động, hỗ trợ các hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ hạn chế, không sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt, tiến tới kiên quyết cấm sử dụng toàn bộ than tổ ong làm nguyên liệu đốt từ năm 2021.

- Hỗ trợ các hộ dân sử dụng rơm rạ sau thu hoạch vào mục đích hiệu quả thay cho việc đốt không đúng quy định; xử lý nghiêm các trường hợp đốt chất thải vi phạm, gây ô nhiễm môi trường.

- Thực hiện điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài gây ô nhiễm môi trường. Đối với các xe ngoại tỉnh vào nội đô cần được chia làn, rửa xe, che chắn để hạn chế bụi.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201912/ha-noi-don-noel-trong-khong-khi-o-nhiem-nang-troi-suong-mu-mit-af4659e/