Hà Nội đổi xe máy cũ lấy mới: Tránh tiếng bán xe

Hỗ trợ người dân kiểm tra tiêu chuẩn khí thải, đổi xe cũ lấy xe mới là ý tượng tốt nhưng cần thực hiện nghiêm túc để tránh tiếng bán xe.

Trong dự thảo chương trình “Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn Thành phố” do Sở TN&MT chủ trì soạn thảo trình UBND TP. Hà Nội đưa ra đề xuất hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy xe mới trong khoảng thời gian từ tháng 9 - 12/2020, số lượng ước tính 5.000 chiếc.

Theo đó, người dân mang xe máy cũ đến các địa điểm này để đo kiểm về khí thải, nếu xe không bảo đảm điều kiện, sẽ được Hiệp hội xe máy Việt Nam (VAMM) hỗ trợ kinh phí đổi xe máy mới với mức hỗ trợ 2 – 4 triệu đồng/trường hợp. Nguồn kinh phí này sẽ do VAMM chủ động cung cấp.

Người dân Hà Nội muốn được hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy xe mới phải có đủ ít nhất hai điều kiện: Chiếc xe của mình đăng ký trước năm 2002 và không đạt yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải.

Hà Nội hiện có hơn 5,7 triệu xe máy, trong đó có đến 2,5 triệu xe máy cũ đăng ký trước 2002.

Hà Nội hiện có hơn 5,7 triệu xe máy, trong đó có đến 2,5 triệu xe máy cũ đăng ký trước 2002.

Những chiếc mô tô, xe máy cũ sau khi đổi sẽ được chính các nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm thu hồi và xử lý theo quy định chứ không được tái sử dụng.

Ngày 6/9/2020, trao đổi với Đất Việt về đề xuất này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực chế tạo động cơ bày tỏ sự đồng tình.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý đơn vị thực hiện, tài trợ cần chú trọng tới công tác tư vấn, hỗ trợ người sử dụng xe máy cũ cắt giảm chi phí tối ưu để vừa có phượng tiện đi lại nhưng vẫn đảm bảo tiêu chuẩn khí thải, tránh ô nhiễm môi trường và cũng từ đó tránh mang tiếng "bán hàng đội lốt hỗ trợ người dân".

TS Nguyễn Văn Nguyên - Giảng viên Viện Cơ khí Động lực, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: "Theo thiết kế, động cơ xe máy khi sử dụng di chuyển quãng đường từ 20.000km hoặc có thời gian từ 2 năm trở lên bắt đầu có biểu hiện xuống cấp nên chắc chắn các tiêu chuẩn thiết kế về độ bền, khí thải tạo ra cũng sẽ không đạt đủ tiêu chuẩn.

Nếu tiếp tục sử dụng sẽ góp phần không nhỏ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ở các thành phố lớn như TP. HCM, TP. Hà Nội... Mặc dù vậy, hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể về thời gian sử dụng của xe máy nên việc thu hồi đối với những chiếc xe máy cũ là không đúng quy định".

Theo ông Nguyên, thực tế có những chiếc xe mặc dù đã động cơ đã cũ, không đạt về tiêu chuẩn khí thải nhưng chỉ cần sửa chữa vài bộ phận bên trong là vẫn có thể vận hành tốt, đảm bảo các yếu tố về kỹ thuật hoạt động, môi trường mà không mất nhiều chi phí sửa chữa.

"Chiếc xe không đạt đủ tiêu chuẩn khí thải chủ yếu là nằm ở phần động cơ của máy. Thực tế, có nhiều chiếc xe dù động cơ cũ nhưng các bộ phận khác còn rất tốt, nếu thu hồi và không đưa tái sử dụng sẽ rất lãng phí.

Hiện nay giá thành của một chiếc xe máy rẻ nhất cũng gần 20 triệu đồng. Nếu được hỗ trợ từ 2 - 4 triệu đồng/xe không đủ tiêu chuẩn đê đổi xe mới, người dẫn sẽ vẫn phải bỏ ra tối thiểu 16 triệu đồng để sở hữu 1 chiếc máy mới.

Trong khi, họ chỉ có thể bỏ ra từ 2 - 3 triệu đồng để sửa chữa là vẫn có thể có được phương tiện đi lại từ chiếc xe máy cũ.

Chính vì thế, chương trình mà Sở TN&MT Hà Nội đang đề xuất nên tập trung vào việc tư vấn, hỗ trợ người dân sửa chữa phương tiện mình đang có sao cho đảm bảo đủ tiêu chuẩn khí thải hơn là việc đổi xe cũ lấy xe mới.

Nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người gặp khó khăn về kinh tế thì việc bỏ ra khoản tiền cả chục triệu đồng để có chiếc xe mới trong khi xe cũ vẫn còn sử dụng được là điều không cần thiết" - ông Nguyên bày tỏ.

Đồng quan điểm, kỹ sư Phạm Đức Triệu - công tác trong một nhà máy chuyên sản xuất xe máy ở Việt Nam cho rằng, chương trình mà Sở TN&MT Hà Nội đề xuất nên tập trung vào việc tư vấn, hỗ trợ người dân sửa chữa phương tiện cũ thay vì chú trọng tới việc đổi cũ lấy mới.

"Đây là một chương trình mang tính chất vì cộng đồng, xã hội. Trong khi, những người dân sử dụng xe máy cũ ở Việt Nam thường là người lao động tự do, không có nguồn thủ ổn định nên đơn vị thực hiện, tài trợ cần khéo léo để tránh mang tiếng lợi dụng một dự án nhân văn để bán sản phẩm, kích cầu thị trường trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh" - kỹ sư Triệu nêu quan điểm.

Theo anh Triệu, để thực hiện tốt được chương trình thì cần phải có sự thống nhất từ đơn vị thực hiện cho tới đơn vị tài trợ, những nhân viên tiếp nhận, kiểm tra xe và tư vấn cho người dân cần ưu tiên đưa ra phương án sửa chữa chiếc xe đó cho người dân. Chỉ những chiếc xe nào không thể phục chế, sửa chữa thì mới đặt ra chuyện đổi xe cũ lấy xe mới.

Bảo Khương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ha-noi-doi-xe-may-cu-lay-moi-tranh-tieng-ban-xe-3418548/