Hà Nội: Đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn được cải thiện, nâng cao rõ rệt

Theo Ban chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về 'Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025', trên cơ sở kết quả thực hiện chương trình giai đoạn 2010-2020, TP đã lựa chọn đúng và trúng các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển nông nghiệp.

Nhờ thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới nên cơ sở vật chất hạ tầng, sản xuất nông nghiệp và đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội đã được cải thiện, nâng cao rõ rệt.

Nhờ thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới nên cơ sở vật chất hạ tầng, sản xuất nông nghiệp và đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội đã được cải thiện, nâng cao rõ rệt.

Tính đến năm 2020 có 06 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 355/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 92,9%) là tiền đề để tiếp tục thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025. Thêm vào đó, TP với diện tích tự nhiên rộng lớn, đa dạng về địa hình, thổ nhưỡng, là trung tâm lớn về khoa học công nghệ, nên thuận lợi cho việc đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đây cũng chính là cơ sở góp phần nâng cao đời sống cho bà con khu vực nông thôn.

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, ngành nông nghiệp Thủ đô đã thực hiện cơ cấu lại ngành và phát triển kinh tế nông thôn, trong đó phát triển trồng trọt theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng đất tạo năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế cao được quan tâm chú trọng; công tác nuôi trồng thủy sản cũng tiếp tục được duy trì… Nhờ vậy, tốc độ tăng giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân hàng năm 3,03%, đạt và vượt so chỉ tiêu kế hoạch TP giao (2,5-3%/năm).

Bên cạnh đó, phát triển kinh tế tập thể cũng thúc đẩy đáng kể và tạo việc làm cho lao động nông thôn. Tính đến tháng 12/2022, trên địa bàn TP có 1.378 HTX nông nghiệp. Các HTX nông nghiệp cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất của các hộ thành viên. Nhiều HTX đã tạo sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, tập trung vào chức năng thực hiện dịch vụ cho các hộ thành viên và nhân dân.

Đồng thời đã làm tốt công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, bảo đảm về thời vụ, bố trí cây trồng hợp lý, đưa giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng, giá trị cao vào sản xuất; chú trọng cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như: Đầu tư trang thiết bị máy móc công cụ làm dịch vụ sản xuất, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, hệ thống chuồng trại tiên tiến để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm từng bước mở rộng sản xuất kinh doanh tăng thu nhập cho HTX.

Thành phố hiện có 321 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 24 quận, huyện, thị xã. Trong đó, có 273 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề, 48 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề. Mỗi làng nghề đều mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Sự phát triển làng nghề cũng tạo nhiều cơ hội việc làm, giúp tăng thu nhập cho người dân và tạo điều kiện kết nối cộng đồng, phát triển những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, lưu giữ những tinh hoa nghệ thuật, lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Nhờ việc phát triển sản xuất nông nghiệp cùng các hình thức kinh tế tập thể khác nhau, nên thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội năm 2022 đạt 56,3 triệu đồng/người/năm, tăng so với năm 2021 (năm 2021 đạt 54,07 triệu đồng/người/năm). Trong đó có một số huyện thu nhập cao như: Thạch Thất 91 triệu đồng/người/năm, Đan Phượng đạt 73 triệu đồng/người/năm, Hoài Đức 72 triệu đồng/người/năm,... Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sỹ công tác tại trạm.

Đặc biệt, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã được quan tâm, chú trọng. 100% thôn, tổ dân phố có quy ước, hương ước. Cơ sở vật chất của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm đầu tư đã tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thường xuyên đến sinh hoạt, trao đổi thông tin, học hỏi lẫn nhau và thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm, đồng thời là nơi rèn luyện thân thể để có sức khỏe làm việc, lao động, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được các cấp phát triển sâu rộng, đạt được sự đồng thuận cao trong nhân dân, làm nền tảng vững chắc cho việc xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Ánh Tuyết

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-doi-song-vat-chat-tinh-than-cua-nguoi-dan-khu-vuc-nong-thon-duoc-cai-thien-nang-cao-ro-ret-339214.html