Hà Nội đối mặt đợt ô nhiễm không khí mới: Chuyên gia nói gì?

Chất lượng không khí xấu dần từ hôm qua, đến chiều nay đã lên ngưỡng tím (ngưỡng rất xấu- rất có hại cho sức khỏe mọi người) ở nhiều điểm đo tại thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.

Hà Nội bước vào đợt ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng từ hôm nay. Ảnh: Nguyễn Hoài.

Hà Nội bước vào đợt ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng từ hôm nay. Ảnh: Nguyễn Hoài.

Các hệ thống quan trắc hôm nay ghi nhận chất lượng không khí ở ngưỡng rất xấu. Trong số 11 điểm đo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có tới 5 điểm đo lên ngưỡng tím với chỉ số chất lượng không khí AQI trên 200. Các điểm đo còn lại ở ngưỡng đỏ, ngưỡng có hại cho sức khỏe mọi với chỉ số AQI từ 180 đến gần 200, xấp xỉ ngưỡng tím. Hệ thống của Đại sứ quán Mỹ, Tổng cục Môi trường và PAMAir ghi nhận kết quả tương tự.

Từ sau Tết nguyên đán Canh Tý, ô nhiễm không khí liên tục diễn ra tại Hà Nội. Tuy nhiên, đây là đợt ô nhiễm nghiêm trọng nhất với hầu hết các hệ thống quan trắc đều ghi nhận ngưỡng tím- ngưỡng ô nhiễm nghiêm trọng thứ hai, chỉ sau ngưỡng nâu (ngưỡng nguy hại- nguy hiểm đến sức khỏe mọi người).

Theo ghi nhận của hệ thống quan trắc PAMAir, ô nhiễm không khí không chỉ ở Hà Nội mà còn khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có những điểm đo cá biệt lên ngưỡng nâu (ngưỡng nguy hại đến sức khỏe mọi người).

Theo TS Nguyễn Bình, chuyên gia về ô nhiễm không khí, đợt ô nhiễm này có thể liên quan đến điều kiện thời tiết không thuận lợi. Gió tốc độ thấp, nền nhiệt thấp khiến không khí không lưu thông được. Nguồn ô nhiễm bị tập trung, ứ lại sát mặt đất. Dự báo ô nhiễm không khí có thể kéo dài thêm nhiều ngày tới.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nghịch nhiệt thường xảy ra trong cả mùa đông, nhất là vào các thời kỳ cuối của mỗi đợt không khí lạnh.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, những ngày có chất lượng không khí từ ngưỡng xấu trở lên, người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, tập thể dục, làm việc ngoài trời. Vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường. Tra, rửa mắt bằng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ. Người hút thuốc nên hạn chế hút thuốc lá, người không hút thuốc nên tránh xa khỏi thuốc lá.

Người dân cũng nên hạn chế sử dụng và thay thế bếp than tổ ong bằng bếp điện, bếp từ. Nhóm nhạy cảm gồm người mắc bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mãn tính, người già, người suy dinh dưỡng, người bệnh tim mạch cần thực hiện các biện pháp dự phòng kể trên nghiêm ngặt hơn.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2,5 - loại bụi có khả năng đi trực tiếp vào máu, gây ra nhiều loại bệnh liên quan đến hô hấp, tim mạch. Do kích thước rất nhỏ, bằng khoảng 1/30 sợi tóc nên các loại khẩu trang y tế, khẩu trang vải thông thường không thể ngăn được bụi này. Các chuyên gia môi trường khuyến cáo, người dân nên sử dụng khẩu trang chống bụi mịn khi ra đường.

Nguyễn Hoài

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/ha-noi-doi-mat-dot-o-nhiem-khong-khi-moi-chuyen-gia-noi-gi-1521684.tpo