Hà Nội dốc sức tiêu úng cho cây trồng

Trong những ngày qua, trên địa bàn Hà Nội đã có mưa lớn khiến mực nước hệ thống công trình thủy lợi lên cao gây ngập úng nhiều diện tích nông nghiệp. Công tác tiêu úng đang được các đơn vị tích cực triển khai.

Sáng 18/7, có mặt tại xứ đồng Đồng Quan (xã Lại Yên, huyện Hoài Đức), hiện ra trước mắt chúng tôi là cảnh tượng nước ngập trắng đồng. Bà Phạm Thị Mai ở xóm 2 (xã Lại Yên) lội bì bõm xuống ao để lắp lưới ngăn thủy sản từ ao của gia đình chảy ra khu đồng và kênh T2. “Đêm qua mưa lớn quá, nước trong ao tràn qua bờ kênh. Vừa thả hết mấy chục triệu đồng tiền con giống, coi như mất trắng…” - bà Mai than thở. Không chỉ có diện tích ao trên ba mẫu bị ngập, gia đình bà Mai còn có khoảng 6 sào lúa mới cấy rời tay bị ngập trắng sau trận mưa ngày 17/7.

Công nhân xí nghiệp thủy lợi Đan Hoài đắp bờ ngăn nước chảy tràn từ kênh T2 vào đồng ruộng. Ảnh: Thiên Tú

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lại Yên Nguyễn Đình Nam, trận mưa ngày 17/7 đã khiến khoảng 80ha cây trồng trên địa bàn xã bị ngập úng nặng. Diện tích này còn có thể tăng lên khoảng 100ha, nếu trời tiếp tục có mưa. Cũng theo chia sẻ của ông Nam, những năm qua, cánh đồng xã Lại Yên được xem là “rỗn lũ” của huyện Hoài Đức do nằm ở cuối nguồn tiêu thoát nước. Không chỉ năm nay, mà hầu như năm nào, bà con nông dân nơi đây cũng đứng ngồi không yên với mưa lũ.
Không chỉ tại xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai TP Hà Nội chiều qua 18/7 cho thấy, tổng diện tích lúa và hoa màu các địa phương bị ngập vào khoảng 8.000ha. Trong đó, địa phương hiện có diện tích bị ngập nhiều nhất là Thanh Oai 1.840ha, tiếp đến là các huyện Chương Mỹ 1.445ha, Thạch Thất 882ha, Phúc Thọ 646ha, Quốc Oai 594ha…Ông Doãn Văn Hà – Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai huyện Phúc Thọ cho biết, huyện đã đề nghị Xí nghiệp Thủy lợi Phúc Thọ và các xã, thị trấn khẩn trương khơi thông các dòng chảy của các kênh tiêu nội đồng và các kênh tiêu lớn để tiêu úng cho cây trồng. Trong đó đã vận hành 4 trạm bơm tiêu Hiệp Thuận, Quán Mới, Hát Môn, K9 để đảm bảo tiêu úng với 18 máy bơm, tổng công suất 16.700m3/h để bơm tiêu chống úng. Hiện tại, các công trình đê, kè, cống trên địa bàn chưa xảy ra sự cố nào.
Tại huyện Thạch Thất, diện tích cây trồng bị ngập úng chủ yếu là lúa của các xã vùng ven sông Tích và vùng trũng như Cẩm Yên, Hạ Bằng, Cần Kiệm, Đồng Trúc, Tân Xã, Lại Thượng, Kim Quan… Ngoài ra, một số diện tích ngô và hoa màu ở các xã vùng núi, đồi gò cũng bị thiệt hại. Trước tình hình đó, huyện Thạch Thất đã yêu cầu vận hành 11 trạm bơm đầu mối và một số trạm bơm cục bộ với 70 tổ máy để chống úng cho cây trồng. Đến chiều tối 18/7, diện tích bị ngập úng đã giảm đáng kể. Ông Nguyễn Doãn Tuyến – Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho biết, nếu không mưa và đảm bảo nguồn điện trong vòng 3 ngày tới mới tiêu thoát úng được diện tích trên.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho biết, toàn huyện có 160ha lúa mới cấy bị ngập, chủ yếu là các xã vùng ven sông Tích như Vạn Thắng, Tiên Phong… trong đó 10ha bị ngập trắng. Tuy nhiên điều đáng lo ngại, đây đều là diện tích trũng ven sông, rất khó tiêu thoát nước. “Đối với diện tích lúa mới cấy, chỉ có thể cầm cự được vài ngày nhưng nếu ngập lâu sẽ bị ảnh hưởng” – ông Dần cho hay.
Trước diễn biến mưa lớn, ngày hôm qua, các DN thủy lợi của Hà Nội tiếp tục vận hành 211 trạm bơm với 984 tổ máy bơm các loại, tổng lưu lượng khoảng 2,8 triệu m3/giờ, dọc trục chính các sông để tiêu thoát nước nội đồng. Tại các trạm bơm, hầu hết cán bộ, công nhân viên phải ứng trực 24/24 giờ để vận hành tiêu úng cho diện tích nông nghiệp bị ngập.
Trong ngày 18/7, trên địa bàn Hà Nội, mưa đã bắt đầu giảm. Tuy nhiên, theo nhận định sẽ còn tiếp tục kéo dài thêm 2 - 3 ngày. Theo đó, công tác tiêu úng vẫn sẽ là nhiệm vụ trọng tâm trong vài ngày tới.
Cùng với vận hành các trạm bơm phục vụ tiêu úng cho ruộng đồng, người dân một số địa phương còn ra sức xử lý các sự cố sạt lở, vỡ bờ kênh do mưa lớn. Có mặt tại khu vực kênh T2 và T2-6 thuộc xã Lại Yên sáng 18/7, chúng tôi ghi nhận hàng chục người dân đang ra sức đắp bờ ngăn kênh bị vỡ. Cụm trưởng Cụm thủy nông số 4 (Xí nghiệp đầu tư phát triển thủy lợi Đan Hoài) Nguyễn Văn Lưu cho biết, do ảnh hưởng của mưa lớn, trên tuyến kênh T2 và T2-6 có 6 vị trí bị vỡ. Đêm ngày 17/7 và cả ngày hôm qua (18/7), hàng trăm cán bộ cùng người dân địa phương đã được huy động để đắp bờ ngăn nước chảy tràn từ kênh T2 và T2-6 vào cánh đồng để bảo vệ mùa màng cho bà con. Theo ông Lưu, tuyến kênh T2 và T2-6 là hệ thống tiêu nước quan trọng cho huyện Hoài Đức, tuy nhiên, nhiều năm qua chưa được đầu tư nâng cấp nên năm nào cũng xảy ra hiện tượng nước tràn bờ kênh.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, tới chiều 18/7, bão số 2 đã khiến ít nhất 4 người chết và 5 người hiện còn đang mất tích (trong đó, có 6 thuyền viên tàu VTB26). 54 nhà dân bị sập đổ hoàn toàn, 4.152 ngôi nhà bị tốc mái, 31 nhà dân phải di dời. 54 tàu cá, 2 xà lan và 1 tàu lai dắt bị chìm. Ngoài ra, bão số 2 còn gây ngập úng trên 90.000ha cây trồng. Gần 89.000 cây xanh, cột điện đã bị gãy đổ, cùng với 7.320 gia súc bị chết, cuốn trôi…

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ha-noi-doc-suc-tieu-ung-cho-cay-trong-293283.html