Hà Nội: Doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu lao động 'lấn sân' sang lĩnh vực xây dựng, liệu có mạo hiểm?

Cty CP Phát triển nhân lực LOD (Cty LOD) và Cty TNHH Phát triển Bắc Việt là hai doanh nghiệp được giao làm Chủ đầu tư Dự án Xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn đến đường vành đai 3 theo hợp đồng BT với kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng. Điều đáng nói, Cty LOD là doanh nghiệp vốn chỉ hoạt động chính yếu trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, do đó việc 'lấn sân' sang mảng thi công xây dựng đang khiến dư luận dấy lên lo ngại về số phận của dự án.

Ảnh minh họa.

Tại Hội nghị về đầu tư diễn ra mới đây, Hà Nội đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho nhiều dự án về hạ tầng giao thông. Đáng lưu ý, trong đó có Dự án xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn đến đường vành đai 3 theo hợp đồng BT. Dự án này do Liên danh Cty CP Phát triển Nhân lực LOD và Cty TNHH Phát triển Bắc Việt đầu tư với kinh phí là 1.404 tỷ đồng.

Cũng trên cổng thông tin của Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội, hiện đang công bố thông tin Dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3 (quận Thanh Xuân) theo hình thức hợp đồng BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao đổi).

Theo đó, tuyến đường có chiều dài 2,85km, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1.400 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 274 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 967 tỷ đồng, còn lại là các chi phí khác. Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ 2018 đến 2020. Để xây dựng tuyến đường này, Hà Nội dự kiến sẽ thanh toán cho Chủ đầu tư quỹ đất đối ứng khoảng 39,8ha tại các ô quy hoạch 3-1, 3-2, 4-1, 4-2 thuộc Quy hoạch phân khu S4, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm.

Dự án xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn đến đường vành đai 3 theo hợp đồng BT do Liên danh Cty LOD và Cty TNHH Phát triển Bắc Việt làm Chủ đầu tư. Như vậy, Chủ đầu tư bỏ ra hơn 1.400 tỷ đồng và đổi lại là được thừa hưởng gần 40ha “đất vàng” của thành phố.

Điều đáng nói, thời gian qua Cty LOD hoạt động chính trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, xuất nhập khẩu hàng hóa, đào tạo lao động xuất khẩu, công nhân kỹ thuật và các loại hình đào tạo khác; xúc tiến, tư vấn du học, giới thiệu và cung ứng việc làm trong nước; dịch vụ du lịch nội địa và lữ hành quốc tế và các dịch vụ thương mại. Vài năm gần đây có “lấn sân” sang thị trường bất động sản, tuy nhiên các dự án do Cty này làm Chủ đầu tư đều chậm tiến độ và không có hiệu quả.

Đặc biệt, Dự án LOD Buiding của Cty này từng được coi là dự án triển vọng, tọa lạc trên khu “đất vàng” đường tại địa chỉ 38 Trần Thái Tông (Cầu Giấy – Hà Nội) thế nhưng, do những vi phạm trong quá trình xây dựng, đến hiện nay Dự án LOD Building đã bị đình chỉ, thậm chí có dấu hiệu “bỏ hoang”, gây lãng phí.

Dự án LOD Buiding của Cty này từng được coi là dự án triển vọng nay có dấu hiệu bỏ hoang.

Trong khi đó, đối tác còn lại là Cty TNHH Phát triển Bắc Việt được thành lập vào tháng 3/10/2008. Ngành nghề chính được giới thiệu của Cty này là kinh doanh bất động sản, ngoài ra là bán buôn máy móc, thiết bị y tế…Đăng ký trụ sở chính tại tầng 11, tòa nhà Indochina Plaza Hà Nội, số 239 Xuân Thủy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật của Cty TNHH Phát triển Bắc Việt là Tổng giám đốc Vũ Hùng Lân (sinh năm 1978).

Trong lĩnh vực bất động sản, Bắc Việt là một trong hai đơn vị thành lập Liên danh Chủ đầu tư dự án Thống Nhất Complex rộng 1,8 ha tại số 82 Nguyễn Tuân (Thanh Xuân, Hà Nội). Tháng 3/2016, Bắc Việt cùng Đại Hoàng Long cùng tham gia đấu giá mua cổ phần Cty Vật tư kỹ thuật Nông nghiệp Hà Tây (Hataco) - Cty Nhà nước sở hữu hàng loạt khu đất đắc địa.

Việc để một doanh nghiệp “lính mới” lấn sang lĩnh vực thi công, xây dựng và kinh doanh bất động sản đang khiến dự luận không khỏi lo ngại về số phận của dự án?

Linh Nguyễn

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/hoi-_-dap/ha-noi-doanh-nghiep-chuyen-ve-xuat-khau-lao-dong-lan-san-sang-linh-vuc-xay-dung-lieu-co-mao-hiem.html