Hà Nội: Điều chỉnh kế hoạch kích cầu du lịch

Do dịch Covid bùng phát trở lại, nên tháng 8, lượng khách du lịch nội địa của Hà Nội sụt giảm mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ năm 2019. Trước tình hình này, Hà Nội đang lên kế hoạch điều chỉnh kích cầu du lịch nội địa, xây dựng sản phẩm mới để sớm khôi phục lại các hoạt động du lịch.

Cùng với các địa phương trong cả nước, ngành "công nghiệp không khói" của thủ đô Hà Nội đang “ngấm đòn” ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khi hàng loạt khách sạn, cơ sở lưu trú và các cửa hàng kinh doanh tại các tuyến phố du lịch đã phải “cửa đóng then cài”, đề biển rao bán hay sang nhượng, cho thuê mặt bằng. Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, tính đến hết tháng 8/2020, Hà Nội có khoảng 950 cơ sở lưu trú tạm dừng hoạt động, với khoảng 16.000 lao động tạm thời không có việc làm.

Hà Nội sẽ tập trung xúc tiến, quảng bá kích cầu du lịch nội địa

Hà Nội sẽ tập trung xúc tiến, quảng bá kích cầu du lịch nội địa

Cũng trong tháng 8, do dịch Covid-19 trở lại, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 310 nghìn lượt khách, giảm 70,3% so với tháng 7/2020, giảm 87,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 753 tỷ đồng, giảm 75,3% so với tháng trước và giảm 91,2% so với cùng kỳ năm trước (giảm 7.806 tỷ đồng). 8 tháng đầu năm 2020, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,29 triệu lượt khách, giảm 67,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 22.754 tỷ đồng, giảm 65,8% so với cùng kỳ năm trước (giảm 43.699 tỷ đồng).

Do lượng khách du lịch đến Hà Nội giảm mạnh nên công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1- 5 sao ước đạt khoảng 12.2%, giảm 22% so với tháng 7/2020 và giảm 52% so với cùng kỳ 2019; tính chung 8 tháng công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt khoảng 29.6%, giảm 40.8% so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, tính đến thời điểm này, đã có 33.453 khách hủy tour nội địa với 932 dịch vụ do 38 đơn vị lữ hành của Hà Nội cung cấp; các hoạt động điểm đến giảm mạnh từ 75 đến 80% khách từ khi dịch bùng phát trở lại, chủ yếu phục vụ khách lẻ, không có khách đoàn.

Hà Nội là một trong các trung tâm du lịch trọng điểm của Việt Nam, nhưng hiện tại điểm đến này cũng đang phải đối diện khó khăn rất lớn từ đại dịch. Trong bối cảnh hiện nay, với diễn biến khó lường của dịch bệnh, Hà Nội phải chủ động có giải pháp kịp thời, phù hợp mới có thể vực dậy được ngành công nghiệp không khói này; đặc biệt là để tránh một sự đổ vỡ đối với lực lượng doanh nghiệp trong ngành. Trong đó, khi du thị trường quốc tế vẫn chưa mở cửa, thị trường nội địa sẽ là điểm tựa, vì vậy, ông Trần Trung Hiếu – Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội - cho biết, dựa trên tình hình thực tế hiện tại, Sở sẽ tham mưu, đề xuất Thành phố đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp, đặc biệt là điều chỉnh triển khai kế hoạch kích cầu du lịch nội địa trên địa; tăng cường tuyên truyền quảng bá kết nối phát triển du lịch tùy tình hình diễn biến dịch Covid-19; cung cấp thông tin về điểm đến du lịch tại địa phương để hỗ trợ quảng bá kích cầu du lịch nội địa trên địa bàn.

Ngoài những kế hoạch, định hướng từ cơ quan quản lý, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành cho rằng, dịch Covid-19 mang tới những tổn thất, nhưng cũng là cơ hội để Hà Nội làm mới mình bằng việc cải thiện, xây dựng thêm các sản phẩm du lịch hấp dẫn, chất lượng, đảm bảo an ninh, an toàn điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu khách nội địa mà còn tạo tiền đề để níu chân du khách quốc tế tới đây.

Đặc biệt, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, khuyến khích nhiều ngành nghề, nhất là ngành công nghiệp sáng tạo, du lịch phát triển được coi là hướng đi cần thiết, là cơ sở để Hà Nội xây dựng sản phẩm hấp dẫn, tạo động lực phát triển du lịch. Tuy nhiên, muốn phát triển kinh tế ban đêm, các chuyên gia ngành du lịch nêu rõ, chính quyền địa phương phải hiểu được giá trị tiềm ẩn của loại hình kinh tế này để có chiến lược, kế hoạch khai thác phù hợp.

Dựa trên cơ sở Đề án Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, mới đây UBND quận Hoàn Kiếm cũng đã trình UBND TP Hà Nội xem xét phê duyệt để cho phép triển khai. Quận Hoàn Kiếm không chỉ tập trung đầu tư vào lĩnh vực vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm mà còn mở rộng sang cả dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các hoạt động du lịch, vận chuyển, tài chính ngân hàng.Theo đó, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình, tour du lịch vào ban đêm để du khách trải nghiệm như: Tham quan di tích lịch sử, văn hóa, khám phá ẩm thực về đêm, xem các buổi biểu diễn nghệ thuật nhằm kéo dài thời gian khách du lịch ở lại quận. Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân cho biết, các hoạt động kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm sẽ được tổ chức không giới hạn thời gian hoạt động vào tất cả các ngày trong tuần.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu: Sở Du lịch Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp, điểm đến xây dựng sản phẩm, tuyên truyền quảng bá kết các chương trình văn hóa, du lịch thủ đô để thực hiện kích cầu du lịch Hà Nội, khắc phục hậu quả do dịch Covid-19 cũng như tạo đà phát triển bền vững cho du lịch.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-noi-dieu-chinh-ke-hoach-kich-cau-du-lich-143714.html