Hà Nội điều chỉnh giờ cao điểm sớm hơn 30 phút

Khung giờ cao điểm tại TP.Hà Nội sẽ được điều chỉnh từ 16h30 thành 16h để giảm ùn tắc, TNGT...

Ngày 16/10/2020, ông Nguyễn Đức Toàn - Phó Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc thay đổi khung giờ cao điểm sớm hơn 30 phút, từ 16h30 thành 16h là hết sức cần thiết.

Ông Toàn cho rằng, những năm gần đây, lượng phương tiện giao thông đường bộ phát triển nhanh cùng quá trình mở rộng, phát triển hạ tầng đô thị, khu đô thị mới dẫn đến quá tải các tuyến đường trong khu vực nội thành.

"Việc thay đổi giờ cao điểm để công tác tổ chức phân luồng, điều hành giao thông đô thị, đảm bảo trật tự ATGT đạt hiệu quả, giảm thiểu tối đa ùn tắc, TNGT..." - ông Toàn cho biết.

Hà Nội thay đổi khung giờ cao điểm sớm hơn 30 phút.

Hà Nội thay đổi khung giờ cao điểm sớm hơn 30 phút.

Cũng theo ông Toàn, triển khai quyết định của thành phố, Sở GTVT Hà Nội đã giao các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát các biển báo, phân luồng giao thông, tổng hợp khối lượng làm cơ sở Sở GTVT báo cáo UBND Thành phố, trong đó có điều chỉnh, bổ sung các biển báo cho phù hợp.

Trước nhiều ý kiến về việc giờ cao điểm bị điều chỉnh sẽ ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của các đơn vị vận tải, ông Toàn cho rằng, việc điều chỉnh giờ cao điểm là để phù hợp với thực tế giao thông hiện nay đã được Sở GTVT, Công an Thành phố và các đơn vị liên quan rà soát kỹ lưỡng.

Theo quyết định mới của UBND TP. Hà Nội, giờ cao điểm được quy định là khoảng thời gian: Sáng từ 6h00 đến 9h00, chiều từ 16h00 đến 19h30 hằng ngày. Như vậy, khoảng thời gian giờ cao điểm vào buổi chiều được đẩy lên sớm hơn 30 phút.

Ngoài ra, quyết định cũng quy định cụ thể phạm vi hạn chế hoạt động của các phương tiện giao thông đường bộ được giới hạn từ phía bên trong đường bao trở vào trung tâm TP của các đường sau: Đường Phạm Văn Đồng - Hồ Tùng Mậu (đoạn từ ngã tư Phạm Văn Đồng - Phạm Hùng đến ngã tư Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ) - Lê Đức Thọ - Lê Quang Đạo - Đại lộ Thăng Long (đoạn từ Lê Quang Đạo đến đường 70) - Đường 70 (đường Tây Mỗ; đoạn từ Đại Lộ Thăng Long đến đường 72) - Đường 72 (đường Hữu Hưng; đoạn giao đường 70 đến đường Lê Trọng Tấn, quận Hà Đông) - Đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông) - Văn Khê - Phúc La - Cầu Bươu - Phan Trọng Tuệ - Ngọc Hồi (đoạn từ ngã ba Phan Trọng Tuệ đến ngã tư Pháp Vân) - Vành đai 3 (đoạn từ ngã tư Giải Phóng - Pháp Vân đến đường Nguyễn Văn Linh) - Nguyễn Văn Linh - cầu vượt nút giao Trung tâm quận Long Biên - đường Lý Sơn - cầu Đông Trù - Trường Sa - Hoàng Sa - Võ Văn Kiệt (đoạn từ ngã tư đường Hoàng Sa đến cầu Thăng Long) - cầu Thăng Long trở vào trung tâm TP.

Đoạn đường các phương tiện giao thông đường bộ được hoạt động trong khu vực hạn chế:

Đường Nguyễn Văn Cừ (đoạn từ cầu vượt nút giao Trung tâm quận Long Biên đến Nguyễn Sơn), Ngọc Lâm (đoạn từ ngã ba Ngọc Lâm - Nguyễn Văn Cừ đến ngã tư Ngọc Lâm - Ngô Gia Khảm), Ngô Gia Khảm, đường Bắc Thăng Long - Vực Dê, đường Cổ Linh, Đàm Quang Trung, Huỳnh Tấn Phát (đoạn từ đường Cổ Linh đến đường Nguyễn Văn Linh), Tam Trinh (đoạn từ chợ đầu mối Đền Lừ đến đường Vành đai 3), Đường Đại lộ Thăng Long (đoạn từ đường Phạm Hùng đến nút giao Đường 70);

Đường Vành đai 3 trên cao, các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được phép hoạt động, trừ xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự. Các loại phương tiện giao thông thô sơ đường bộ; người đi bộ không được phép hoạt động trên đường Vành đai 3 trên cao;

Đường Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến (đoạn tiếp đất từ đường Vành đai 3 trên cao đi Đại Lộ Thăng Long và ngược lại) các phương tiện được phép hoạt động.

Ngọc Mai (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ha-noi-dieu-chinh-gio-cao-diem-som-hon-30-phut-3420762/