Hà Nội: Đề xuất thu phí phương tiện cá nhân vào nội đô dưới góc nhìn chuyên gia

Theo các chuyên gia, Hà Nội ùn tắc giao thông đâu phải chỉ lỗi của người dân mà có cả lỗi của cơ quan quy hoạch, quản lý. Một đoạn đường hẹp phải gồng gánh tới hàng chục tòa nhà chung cư thì tắc đường là chuyện hiển nhiên…

Theo đề xuất của Hà Nội, khu vực đầu tiên được xác định để phân vùng phương tiện hoạt động sẽ phải đóng phí là từ vành đai 3 trở vào. Ảnh: Cao Tuân

Người dân sẽ được gì, mất gì?

Ban ngành chức năng TP Hà Nội đang lấy ý kiến người dân về đề xuất thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô để giảm ùn tắc. Tại các diễn đàn, vấn đề này nhanh chóng nhận được sự quan tâm với nhiều quan điểm trái chiều. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, hiện các phương tiện cơ giới đã phải đóng hơn một loại phí khi lăn bánh. Nếu tiếp tục thu hai loại phí như trong đề xuất sẽ dẫn đến tình trạng “phí chồng phí”.

Anh Nguyễn Hoàng Long (36 tuổi, lái xe taxi ở Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đồng ý với việc đưa ra các biện pháp để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên, thu phí vào nội thành là cách làm không thích hợp, sẽ tạo thêm nhiều chốt chặn, nhiều nút thắt cục bộ. Hàng ngày, người dân ra vào thành phố để làm ăn, buôn bán, nếu bị thu phí vào nội thành có thể dẫn đến việc bỏ thêm một đồng phí thì người ta sẽ tìm cách thu thêm hai đồng lợi, dẫn đến nhiều hệ lụy”.

Đồng quan điểm, bà Hoàng Thị Lan (một tiểu thương buôn bán ở phố cổ) cho rằng, việc thu phí phương tiện vào nội thành sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động giao thương. Bà Lan nói: “Các phương tiện vào nội thành là để giao thương kinh tế, mang lại nguồn thu cho thành phố. Nếu thu phí có thể sẽ giảm lượng phương tiện nhưng lại đồng thời đẩy giá cả hàng hóa lên cao”. Theo bà Lan, để giải quyết nạn ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn cần phải giảm việc cấp phép xây dựng nhà cao tầng, chung cư. Bởi lượng người từ các chung cư, nhà cao tầng là rất lớn, chứ người từ bên ngoài vào nội thành chỉ là một phần nguyên nhân gây ùn tắc.

Là người dân sinh sống tại Thủ đô Hà Nội, anh Nguyễn Như Thanh (36 tuổi) thẳng thắn: “Nếu áp dụng, người dân sẵn sàng nộp các khoản phí. Nhưng vấn đề là khoản phí đó được thu cho ai, thu để làm gì, có phục vụ lại lợi ích của người dân hay không? Bản thân tôi cũng sẽ không đồng tình với việc thu phí xe vào nội đô khi không biết lợi ích của mình sẽ được gì, mất gì”.

Khi phương tiện công cộng chưa hấp dẫn…

TS Nguyễn Hữu Đức - Chuyên gia tư vấn cao cấp về quy hoạch giao thông JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản).

Liên quan đến đề xuất này, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, trước khi thực hiện việc thu phí vào nội thành, Sở GTVT sẽ cùng với liên ngành thành phố khảo sát, phân ra từng khu vực, từng tuyến phố cần hạn chế xe đi vào để giảm ùn tắc. Khu vực đầu tiên được xác định để phân vùng phương tiện cơ giới hoạt động sẽ phải đóng phí là từ vành đai 3 trở vào. Thành phố sẽ có biện pháp thu phí hiện đại, không gây ảnh hưởng đến hoạt động của phương tiện khi tham gia giao thông.

Theo đó, Hà Nội sẽ thu phí tự động các phương tiện cơ giới đi vào nội thành. Các phương tiện như ôtô phải mở tài khoản ngân hàng và trang bị thiết bị thu phí tự động để các trạm thu phí tự nhận biết, trừ tiền; cơ quan quản lý kiểm soát, điều tiết khi đi vào các khu vực bị hạn chế.

Nhìn nhận đề xuất này từ góc độ giao thông, TS Nguyễn Hữu Đức - chuyên gia tư vấn cao cấp về quy hoạch giao thông JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) chia sẻ: “Việc thu phí các phương tiện vào nội thành Hà Nội sẽ rất khó được áp dụng, vì phải sửa luật mới thu phí được. Việc thu phí phải thực hiện theo luật chứ không phải muốn thu là thu được ngay. Nếu muốn thu phí các phương tiện cơ giới vào nội thành để giảm ùn tắc, Hà Nội phải xác định chỗ nào là điểm ùn tắc thì mới thu phí, nhưng ùn tắc giao thông ít khi xuất hiện cả ngày, chỉ ùn tắc trong một thời gian nhất định. Hà Nội có nhiều đường đi vào nội thành, mỗi một đường đặt 1 trạm thu phí là không ổn”.

TS Nguyễn Hữu Đức phân tích: “Hà Nội ùn tắc giao thông đâu phải chỉ lỗi của người dân mà có cả lỗi của cơ quan quy hoạch, quản lý. Một đoạn đường hẹp phải gồng gánh tới hàng chục tòa nhà chung cư, tắc đường là chuyện hiển nhiên. Một bài toán khó, cần có lời giải nữa là việc Hà Nội sẽ thu phí ra sao, thu phí bằng cách nào... để bảo đảm công bằng cho người dân? Chưa hết, phương tiện của người dân ngoại thành vào nội thành có bị thu phí không? Hay thu theo biển số xe? Nếu thu phí theo kiểu không dừng thì lại phải lập bao nhiêu trạm thu phí tại các điểm ùn tắc? Điểm bất cập nữa là những người ở tỉnh lẻ, cả năm họ mới lên Hà Nội một vài lần, chẳng lẽ phương tiện của họ cũng phải dán tem thu phí? Việc thu phí sẽ khiến giá hàng hóa đưa vào nội thành tăng lên. Hà Nội đã có hàng chục giải pháp chống ùn tắc giao thông từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả, phải chăng Hà Nội bế tắc trong việc giải quyết ùn tắc nên nghĩ ra việc thu phí này?”.

TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản GTVT.

Trong khi đó, TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản GTVT (Bộ GTVT) nêu quan điểm: “Trong khi chúng ta chưa có đủ phương tiện công cộng, sự hấp dẫn của các loại hình vận tải công cộng không cao mà tăng thêm phí với người sử dụng phương tiện cá nhân là không hợp lý. Đặc biệt, khi đa phần người lao động phải sử dụng phương tiện cá nhân của mình để mưu sinh, kiếm sống mà lại tăng phí là thiếu thiện ý. Chúng ta phải nhìn nhận lại vấn đề này một cách kỹ lưỡng. Việc tăng phí có phải là phục vụ nhân dân không? Thành phố cần tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối các phương tiện công cộng nhằm thu hút người dân sử dụng. Đó mới là bản chất của vấn đề?”.

Hà Nội sẽ đề xuất thu phí bảo vệ môi trường

Tại nội dung đề xuất phụ thu phí ô nhiễm môi trường, khí thải thông qua đăng kiểm phương tiện, lãnh đạo TP Hà Nội cho rằng, đến năm 2020, Thủ đô sẽ có hơn 800.000 ô tô, hơn 6 triệu mô tô, xe gắn máy; đến năm 2030 số ô tô là hơn 1,9 triệu, xe máy là hơn 7,5 triệu (hiện nay là 5 triệu xe máy, 500.000 ô tô). Nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì ùn tắc, ô nhiễm trong thời gian tới sẽ rất nghiêm trọng. Do vậy cùng với thu phí phương tiện vào nội đô, TP Hà Nội đề xuất Chính phủ xem xét, giao các bộ ngành có liên quan xây dựng quy định để thực hiện việc thu phí bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới đường bộ thông qua đăng kiểm.

Cao Tuân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ha-noi-de-xuat-thu-phi-phuong-tien-ca-nhan-vao-noi-do-duoi-goc-nhin-chuyen-gia-20181005200326587.htm