Hà Nội: Đề xuất quản lý chó nuôi bằng phần mềm, gắn chip định vị là ý tưởng viển vông!

Chi cục Thú y Hà Nội đang phối hợp với các tổ chức bảo vệ chó xây dựng đề án quản lý chó nuôi bằng phần mềm dưới sự tư vấn của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài. Đề xuất này đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều khi nó cho thấy không thực sự cần thiết và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Ý tưởng khá viển vông?

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng cục Thú y Hà Nội hy vọng việc gắn chip trên từng con chó nuôi sẽ góp phần làm giảm tình trạng trộm chó, gây mất an ninh trật tự và hạn chế chó thả rông.

Theo đó, mỗi con chó nuôi trên địa bàn thành phố sẽ được gắn chip định vị vào tai hoặc vòng cổ, những thông tin về đặc điểm nhận dạng, năm sinh, mũi tiêm phòng sẽ được cập nhật, lưu trữ bằng phần mềm.

Kinh phí xây dựng phần mềm quản lý chó trên địa bàn TP.Hà Nội dự kiến lấy từ nguồn xã hội hóa. Còn việc gắn chip cho chó, thành phố sẽ khuyến khích chủ nuôi thực hiện.

Sau khi biết đến đề xuất này, xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội. Một tài khoản có tên phusauquan047008 bày tỏ sự ủng hộ: “Định vị định hình gì tôi cũng chấp nhận, miễn sao chó của tôi bị cẩu tặc trộm mất, tôi tìm lại được là được”. Tài khoản Nguyễn thị Mý cũng cho rằng: “Gắn định vị để quản lý chó và chống trộm cắp là điều nên làm”.

Hiện nay, TP.Hà Nội có gần 500.000 chó nuôi.

Bên cạnh đó, cũng không ít bình luận phản đối, cho rằng quá lãng phí, hiệu quả không cao. Tài khoản David Tèo khẳng định: “Mình đọc chưa kỹ phần kinh phí xã hội hóa nhưng mình thấy việc này khó khả thi. Nếu không huy động được thì đừng nên dùng ngân sách”. Tài khoản Nguyễn Đức Xuân cảnh báo: “Mất chó, mất luôn cả chip”…

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Quách Thành Lực, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng, mọi sáng kiến pháp lý cần được ghi nhận, tuy nhiên, phải là những sáng kiến có thể hiện thực hóa.

“Ở Việt Nam, ý tưởng đó khá viển vông, chưa thực sự sát thực, số liệu gần 500.000 con chó nuôi trên thực tế có thể còn nhiều hơn, số tiền đầu tư không phải là nhỏ, đặc biệt, khi huy động từ nguồn xã hội hóa, trong khi, trong đời sống xã hội còn nhiều vấn đề cấp thiết hơn.

Bên cạnh đó, không thể trông đợi hoàn toàn sự tự giác của người dân trong việc tiến hành gắn chip để quản lý, đưa ra những ý kiến đề xuất nhưng chưa có một chế tài xử lý vi phạm cụ thể nào, sẽ rất khó trong quá trình hiện thực, thiếu tính đảm bảo”, ông nhấn mạnh.

Ông Quách Thành Lực cho rằng ý tưởng quản lý chó nuôi bằng phần mềm tại Việt Nam khá viển vông.

Xây dựng phần mềm, duy trì dịch vụ tốn kém

Vấn đề về xây dựng phần mềm quản lý, theo ông Lê Khánh Trình, giảng viên khoa CNTT trường đại học Công nghệ - đại học Quốc gia Hà Nội, cần quan tâm đến những điều sau: “Mục đích xây dựng phần mềm này để quản lý cái gì, tùy vào mục đích sử dụng mà phần mềm xây dựng sẽ khác nhau.

Nếu áp dụng vào yêu cầu quản lý để hạn chế việc trộm chó, tôi xin phân tích sơ bộ như sau: Mục đích định vị chó mèo để biết vị trí, người dùng là chủ nhân nuôi thú, với hai bước: gắn một con chip lên cơ thể thú nuôi và tải phần mềm quản lý để nắm bắt vị trí thú nuôi của mình thông qua giao diện. Việc này cần huy động kinh phí gắn chip và xây dựng ứng dụng”.

Ông Lê Khánh Trình cũng phân tích: “Việc tham gia quản lý bằng phần mềm có thể mang lại những hiệu quả nhất định: nếu trộm chó tấn công ngay trước mặt chủ nhân, hoặc kể cả khi chủ nhà đang ngủ hay vắng nhà, mà chưa bị đưa vào lò mổ, chủ nhân cũng có thể tìm lại rất nhanh vì đã có định vị.

Tuy nhiên, với việc trộm chó và bên thu mua thường ăn chia tiền chuộc thì việc gắn chip cũng góp phần tăng nhanh các vụ trộm hơn. Lý do là khi chủ nhân tới chuộc, trộm đã không còn ở đó, chủ nhân cũng không thể lên án người thu mua chó được. Thêm vào đó, sau một thời gian để ý, trộm chó sẽ biết tới việc chó được gắn chip định vị. Khi đó, chủ nhân sẽ quan tâm tới không chỉ chó mà còn cả con chip vì trộm có thể cắt tai hoặc tháo vòng cổ để lấy chip đi bán”.

Về kỹ thuật, ThS. Nguyễn Việt Tân đánh giá: “Có khá nhiều thiết bị dạng có gắn chip định vị GPS, micro ghi âm, sim điện thoại để truyền dữ liệu GPS và âm thanh bán trên thị trường, giá khoảng trên 2 triệu đồng, hàng tháng mất thêm tiền dịch vụ máy chủ lưu dữ liệu. Những hệ thống và thiết bị kiểu này chỉ phù hợp cho các gia đình có điều kiện và thời gian. Số tiền trang bị ban đầu lớn, hàng tháng mất tiền duy trì dịch vụ và hàng ngày mất công kiểm tra, nạp pin thiết bị. Khả năng chống trộm chó không cao. Còn nhiều cách khác để quản lý và còn nhiều việc khác quan trọng hơn để làm”.

Nhiều dạng thiết bị định vị với chi phí ban đầu hơn 2 triệu đồng cần phí duy trì mỗi tháng.

PGS. TS. Trương Anh Hoàng chia sẻ: “Đề xuất này cần có cơ sở khoa học, nêu rõ đề xuất, phân tích về tác động ảnh hưởng kinh tế, xã hội, để các nhà khoa học và người dân phản biện trước khi chính thức thông qua sẽ tốt hơn.

Về mặt kỹ thuật, không khó để làm phần mềm để quản lý được, tuy nhiên, sau đó sẽ cần kinh phí duy trì, vận hành,... Người thân của tôi cũng đã bị chó cắn, sau đó phải đi tiêm phòng, cũng bị tổn thương tâm lý, sức khỏe, nên cá nhân tôi vẫn muốn việc quản lý, tiêm phòng được triển khai làm tốt”.

“Lựa chọn ứng dụng công nghệ và gắn chip hay không thì nên tham khảo cách làm của quốc tế và khi áp dụng cần xem xét thực tiễn ở Việt Nam, vì việc này sẽ kéo theo nhiều vấn đề về riêng tư, về đối phó, lách luật...”, ông cũng phân tích thêm.

Theo thống kê của Chi cục Thú y Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô hiện có 493.000 con chó nuôi (nhiều nhất cả nước). Số lượng người nuôi chó cảnh, nuôi chó kinh doanh đang tăng lên nhanh chóng, gây thách thức lớn cho việc quản lý phòng trừ dịch bệnh. Năm 2018, thành phố có 3 người chết vì bệnh dại, gần 10.000 người phải đi tiêm phòng dại, chủ yếu do chó cắn.

Cẩm Mịch

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ha-noi-de-xuat-quan-ly-cho-nuoi-bang-phan-mem-gan-chip-dinh-vi-la-y-tuong-vien-vong-a416273.html