Doanh nghiệp thêm nguồn lực vượt qua đại dịch

Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo tờ trình Chính phủ về nghị định quy định chi tiết thi hành chính sách miễn, giảm thuế, theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ưu đãi thuế để doanh nghiệp có thêm nguồn lực vượt qua đại dịch vẫn là mục tiêu ưu tiên của Chính phủ trong năm 2022.

Giảm 2% thuế giá trị gia tăng nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ

Theo Bộ Tài chính, trong năm 2020-2021, do tác động của dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế liên tiếp giảm ở mức thấp, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm 2021-2025. Tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; kinh tế đối mặt với nhiều thách thức về ổn định kinh tế vĩ mô; chi phí đầu vào gia tăng; chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa bị đứt gãy...

Nhiều chính sách hỗ trợ trong đó có các giải pháp về miễn, giảm thuế đã được ban hành và triển khai, đạt kết quả tích cực, tập trung vào các ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng nặng nề, trực tiếp từ dịch Covid-19. Các giải pháp hỗ trợ nêu trên được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tăng trưởng năm 2020 và năm 2021.

Tuy nhiên, trước những tác động sâu rộng của dịch Covid-19 cần phải có các giải pháp, chính sách tổng thể để nhanh chóng hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu thực hiện các mục tiêu đề ra. Do vậy, Chính phủ đã xây dựng và trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội XV thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, nghị quyết đã quy định một số chính sách miễn, giảm thuế, như: giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Nguồn: Nghị quyết của Quốc hội. Đồ họa: Hồng Vân

Bộ Tài chính trình Chính phủ một số quy định tại dự thảo nghị định. Giảm 2% thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%) kể từ ngày nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết 31/12/2022 (trừ một số nhóm hàng dịch vụ).

Về xác định hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% nhưng không thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT: Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội đã quy định nhóm hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng áp dụng giảm thuế GTGT nhưng chưa xác định rõ cụ thể. Để thuận tiện cho tổ chức, cá nhân và cơ quan quản lý thuế áp dụng, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật chuyên ngành hiện hành, việc xác định hàng hóa, dịch vụ không được áp dụng giảm thuế GTGT được thực hiện theo các phụ lục ban hành kèm theo nghị định này. Danh mục hàng hóa, dịch vụ này được căn cứ vào hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) tại Luật Thuế TTĐB hiện hành.

Giám sát chặt để gói hỗ trợ phát huy hiệu quả

Về đối tượng áp dụng, tại Nghị quyết số 43 của Quốc hội đã quy định giảm thuế GTGT đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% (không phân biệt đối tượng cung cấp hàng hóa, dịch vụ là doanh nghiệp, tổ chức hay hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh). Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị áp dụng giảm thuế GTGT đối với tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT 10% không phân biệt phương pháp tính thuế của cơ sở kinh doanh: phương pháp khấu trừ và phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu.

Dự thảo nghị định cũng hướng dẫn rõ về thực hiện chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Dự kiến giảm thu ngân sách khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng

Đánh giá tác động tới thu ngân sách nhà nước (NSNN), theo Bộ Tài chính, nghị định quy định cụ thể các nội dung chính sách đã được Quốc hội quyết định, vì vậy, phạm vi tác động từ các giải pháp hỗ trợ quy định tại dự thảo nghị định này năm trong nội dung đã báo cáo Quốc hội khi trình nghị quyết.

Theo đó, dự kiến sẽ có tác động giảm thu NSNN của năm 2022 khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chính sách giảm thuế GTGT là khoảng 49,4 nghìn tỷ đồng; thực hiện chi phí được trừ đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 là khoảng 2 nghìn tỷ đồng.

Số tiền thuế được hỗ trợ sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh để có thể tiếp tục hoạt động, đóng góp vào kết quả khôi phục lại kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.

Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế. Đồng thời, cơ quan thu quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.

Doanh nghiệp, tổ chức là người nộp thuế TNDN theo quy định của Luật Thuế TNDN, trong kỳ tính thuế TNDN năm 2022, được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ quy định tại khoản 2 điều này.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân được sớm hưởng thụ chính sách giảm thuế, thuận lợi trong việc xuất hóa đơn cũng như kê khai, nộp thuế và triển khai thực hiện thống nhất trên toàn quốc, nên dự thảo nghị định quy định, nghị định này có hiệu lực từ 1/2/2022.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, thời gian qua, chính sách tài khóa được điều hành hết sức linh hoạt, hiệu quả, dù trong khó khăn nhưng tình hình tài chính vẫn đảm bảo các cân đối lớn.

Đối với gói hỗ trợ, theo ông Trần Văn Lâm, trong bối cảnh hiện nay, bài toán hỗ trợ doanh nghiệp và kích thích tăng trưởng, các công cụ tài khóa là quan trọng nhất, trong đó các chính sách về thuế cũng cần linh hoạt. Ông cũng lo ngại vấn đề lãng phí, thất thoát trong triển khai chương trình hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, do đó, cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ để gói hỗ trợ phát huy hiệu quả.

Một số nhóm hàng không được giảm thuế

Theo dự thảo nghị định, thực hiện giảm 2% thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%) kể từ ngày nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết 31/12/2022, trừ nhóm hàng dịch vụ sau: viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, hóa chất và sản phẩm hóa chất. Sản phẩm hàng hóa dịch vụ chịu thuế TTĐB. Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu trên thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc đối tượng chịu thuế GTGT 5% theo quy định của Luật Thuế GTGT thì thực hiện theo quy định của luật.

Về trình tự, thủ tục thực hiện: Đối với cơ sở kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế, khi lập hóa đơn GTGT cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT, tại dòng thuế suất thuế GTGT ghi “mức thuế suất theo quy định 8%”; tiền thuế GTGT; tổng số tiền người mua phải thanh toán. Căn cứ hóa đơn GTGT, cơ sở kinh doanh sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kê khai thuế GTGT đầu ra, cơ sở kinh doanh sản xuất kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo số thuế đã giảm ghi trên hóa đơn GTGT.

Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thì cơ quan thuế được thực hiện xác định mức thuế GTGT đảm bảo nguyên tắc giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 khi lập bộ thuế khoán.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/doanh-nghiep-them-nguon-luc-vuot-qua-dai-dich-99050.html