Hà Nội đề nghị giữ nguyên vị trí ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị số 2

Thực hiện ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 8190/VPCP-CN ngày 30-8-2018 của Văn phòng Chính phủ, UBND TP Hà Nội vừa có văn bản số 4950/UBND-ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quá trình quy hoạch ga ngầm C9 và giải trình tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tại Công văn số 1479/UBVHGDTTN14 ngày 16-8-2018 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.

Theo UBND TP Hà Nội, thiết kế tổng mặt bằng ga ngầm C9 và tuyến hầm nằm ngoài và không xâm phạm khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn; tuyến hầm đi qua bên dưới gian trước của đền Bà Kiệu, cách gò đá chân Tháp Bút 1 m nhưng là đi ngầm, đỉnh hầm cách mặt đất 12,3 m, đáy hầm cách mặt đất 18,8 m, hoàn toàn không xâm phạm vùng bảo vệ I, tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, bảo tồn văn hiến Thủ đô.

UBND TP Hà Nội cho rằng, đối chiếu với các quy định tại Điều 32 của Luật Di sản văn hóa 10/VBHN-VPQH ngày 23-7-2013 và Hiến chương về bảo vệ thành phố và khu vực đô thị lịch sử, tổng mặt bằng ga ngầm C9 và tuyến hầm có phần nằm trong khu vực bảo vệ II, nhưng hoàn toàn nằm ngoài và không xâm phạm khu vực bảo vệ I, góp phần khai thác và phát huy tối đa giá trị của di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, tuân thủ Luật Di sản văn hóa, các yếu tố có thể gây ra các nguy cơ tiềm ẩn tác động tiêu cực được nghiên cứu, đánh giá tác động, đề ra các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu đầy đủ.

Bên cạnh đó, thiết kế và phương pháp thi công ga ngầm và tuyến hầm là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, bảo đảm giữ gìn nguyên vẹn, an toàn các công trình di tích lịch sử; bảo toàn giá trị vật thể, cảnh quan, môi trường của phố cổ, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn. Thiết kế ga ngầm C9 và các cửa lên xuống giúp người dân, du khách thuận lợi trong việc tiếp cận khu phố cổ, di tích hồ Hoàn Kiếm, phục vụ người dân có phương tiện giao thông công cộng văn minh, hiện đại góp phần tổ chức lại giao thông, giảm ách tắc, tai nạn, ô nhiễm, cải thiện môi trường, cảnh quan, góp phần khai thác và phát huy giá trị của di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm.

Quá trình nghiên cứu dự án đã kéo dài từ 2004 đến nay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện dự án và có nguy cơ tiếp tục làm tăng tổng mức đầu tư dự án. Trường hợp tiến độ tiếp tục bị đẩy lùi, chi phí dự án sẽ tiếp tục tăng lên do các yếu tố trượt giá, nhân công, vật liệu thay đổi.

Vì vậy, UBND TP Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ xem xét lại các ý kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, chấp thuận và chỉ đạo Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục xem xét, có văn bản đồng ý với quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 của tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và tuyến hầm liên quan tại khu vực hồ Hoàn Kiếm để dự án được tiếp tục triển khai bảo đảm tiến độ.

QUỐC TOẢN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/38046102-ha-noi-de-nghi-giu-nguyen-vi-tri-ga-ngam-c9-tuyen-duong-sat-do-thi-so-2.html