Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 7,5% trở lên

Năm 2019 tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP) trên địa bàn Hà Nội tăng 7,46%-cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Hà Nội tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 7,5% trở lên trong năm 2020.

Ngày 4-12, tại kỳ họp thứ 11, HĐND TP Hà Nội khóa 15, HĐND TP đã thống nhất thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 của TP Hà Nội.

Theo đó, trong năm 2020 Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; cơ cấu lại kinh tế Thủ đô và các ngành, lĩnh vực; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu năm 2020 đạt tốc độ tăng trưởng GRDP từ 7,5% trở lên.
Đổi mới đồng bộ giáo dục và đào tạo-nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học và công nghệ, phát huy đổi mới, sáng tạo và đẩy mạnh khởi nghiệp nhằm tận dụng các cơ hội phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch vả quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng và đô thị; xây dựng nông thôn mới; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biển đổi khí hậu…

Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà điều hành biểu quyết thông qua Nghị quyết.

Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà điều hành biểu quyết thông qua Nghị quyết.

Cụ thể, HĐND TP đã thông qua 22 chỉ tiêu chủ yếu phát triển KT-XH gồm: GRDP bình quân đầu người: đạt trên 136 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn trên 10,5%; tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 8,0%... Duy trì 100% xã/phường/thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 90,1%; giảm tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2019 là 0,42%, cuối năm 2020 cơ bản không cồn hộ nghèo; tỷ lệ lao động (đang làm việc) qua đào tạo đạt 70,2%...

Để đạt được các chỉ tiêu này, Hà Nội đặt ra nhiệm vụ cụ thể như tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy khởi nghiệp, thu hút đầu tư; đẩy mạnh tăng trưởng. Kiên trì các giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN.

Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng, kiểm soát ATTP và tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị. Điều tra, đánh giá các sản phẩm nông sản chủ lực làm cơ sở xây dựng Atlas nông nghiệp điện tử (WebGIS); tích cực dập dịch và theo dõi sát sao dịch tả lợn châu Phi để tổ chức tái đàn khi có chủ trương. Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, ứng dụng công nghệ mới để xử lý vệ sinh trong chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, tăng cường quản lý quy hoạch, trật tự và xây dựng đô thị, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường. Khẩn trương lập quy hoạch phát triển TP Hà Nội giai đoạn 2021-2030 theo quy định của Luật Quy hoạch. Đẩy nhanh quy hoạch các đô thị vệ tinh, quy hoạch phân khu, các quy hoạch cải tạo các khu chung cư cữ. Rà soát, tổng kết Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật-nhất là các tuyến đường sắt, đường vanh đai, trục hướng tâm. Hoàn thiện phê duyệt đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung giải quyết các điểm ùn tắc giao thông; phấn đấu nâng tỷ lệ diện tích đất cho giao thông/tổng diện tích đất đô thị đạt trên 10%.

Năm 2020, Hà Nội cũng tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi thực hiện “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công nhân viên chức người lao động cơ quan Hà Nội” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội”.

Đẩy mạnh triển khai Đề án Xây dụng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới; Chương trình Sức khỏe Việt Nam. Xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình về nâng cao sức khỏe và tầm vóc người dân. Tăng cường ứng dụng CNTT và các kỹ thuật mới trong y học và công tác theo dõi, chăm sóc sức khỏe nhằm giảm thời gian đăng ký, khám bệnh và điều trị.

Phát triển hệ thống an sinh xã hội hiệu quả, bền vững. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, các chính sách trợ giúp xã hội. Đảm đảm 100% các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội được thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội và các chính sách xã hội liên quan; 100% người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ xã hội với các hình thức khác nhau.

Đồng thời, tiếp tục xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng, hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật. Nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công. Xây dựng và triển khai bộ Chỉ số đánh giá tính sáng tạo và năng lực điều hành của các Sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã.

Tăng cường công tác thanh tra, tập trung vào những lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cục như quản lỷ đất đai, tài sản công, đầu tư xây dựng, sử dụng ngân sách Nhà nước. Nghiêm túc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tổ cáo đã có hiệu lực pháp luật. Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thịnh An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ha-noi-dat-muc-tieu-tang-truong-grdp-tu-75-tro-len-172406.html