Hà Nội đặt mục tiêu giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp đạt gần 9%

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, năm 2019, Hà Nội đặt mục tiêu giá trị tăng thêm cho ngành công nghiệp đạt 8,6 - 8,8%. Đồng thời phát triển các khu, cụm công nghiệp nhằm tạo dư địa phát triển ngành công nghiệp Thủ đô.

Theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2019 tăng 6,9% so cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,9%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 7,8%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,9%; riêng công nghiệp khai khoáng giảm 5,4%.

Một số ngành có chỉ số sản xuất tăng thấp hơn mức bình quân chung hoặc giảm so cùng kỳ một phần do ảnh hưởng của các sản phẩm công nghiệp nhập khẩu khiến các doanh nghiệp trong nước sản xuất gặp khó khăn, một số doanh nghiệp đã sáp nhập hoặc giảm dần sản lượng.

Hà Nội đặt mục tiêu giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp đạt gần 10% (Ảnh minh họa)

Hà Nội đặt mục tiêu giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp đạt gần 10% (Ảnh minh họa)

Năm 2019 mục tiêu của Hà Nội là giá trị tăng thêm của công nghiệp tăng 8,6 - 8,8%. Để đạt được mục tiêu đặt ra, Sở Công Thương Hà Nội đã đưa ra những giải pháp quyết liệt như tăng cường thu hút đầu tư các dự án vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc; đẩy nhanh tiến độ thành lập các cụm công nghiệp và đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp để đến hết 2019 thành lập được 30-35 cụm công nghiệp với tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng, trong đó có 5-10 cụm công nghiệp hoàn thành đầu tư hạ tầng để thu hút các dự án sản xuất, kinh doanh. Tăng cường kêu gọi thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp qua nhiều kênh đặc biệt trong hội nghị xúc tiến đầu tư hằng năm của thành phố.

Cụ thể, đối với 70 cụm công nghiệp hiện đang hoạt động, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tham mưu, đề xuất các giải pháp hiệu quả để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh đầu tư mở rộng, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thật; tích cực kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nhằm lấp đầy diện tích còn lại của các cụm công nghiệp còn trống.

Đối với 5 cụm công nghiệp đã có Quyết định thành lập năm 2018 (Cụm công nghiệp Thiết Bình, huyện Đông Anh; Cụm công nghiệp Đình Xuyên, huyện Gia Lâm; Cụm công nghiệp làng nghề Phú Yên, huyện Phú Xuyên; Cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng, huyện Phú Xuyên; Cụm công nghiệp làng nghề Phú Túc, huyện Phú Xuyên), Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND quận, huyện, thị xã, chủ đầu tư tích cực triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất...

Đồng thời, Sở Công Thương sẽ đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. Điển hình như KCN Phú Nghĩa thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng trên diện tích 6,25 ha; Khu công viên công nghệ thông tin đẩy nhanh tiến độ GPMB và xây dựng hạ tầng diện tích còn lại 9 ha; KCN hỗ trợ Nam Hà Nội 40 ha (giai đoạn I); KCN Quang Minh I xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông nội bộ...; Mục tiêu năm 2019, thu hút đầu tư tại các KCN đạt 400 triệu USD (quy đổi), doanh thu đạt 7.670 triệu USD, tăng khoảng 6,4% so cùng kỳ.

Hà Nội cũng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cơ cấu ngành công nghiệp; phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất; phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế, từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu...

Nguyễn Hưng

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ha-noi-dat-muc-tieu-gia-tri-tang-them-cua-nganh-cong-nghiep-dat-gan-9-536399.html