Hà Nội đào tạo nhân lực du lịch bài bản, có chiều sâu

Ngành du lịch Hà Nội đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu 100% lực lượng lao động trực tiếp được trang bị, đào tạo kiến thức du lịch theo tinh thần Nghị quyết của Thành ủy Hà Nội.

Các học viên tham gia Chương trình Tập huấn kiến thức quản lý nhà nước về du lịch năm 2020, chuyên đề “Bối cảnh, xu hướng và giải pháp phát triển du lịch hậu Covid-19” do Sở Du lịch TP. Hà Nội tổ chức. Ảnh: Hạnh Nguyên

Trang bị kiến thức, kỹ năng cho người làm du lịch

Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội nêu rõ, đến năm 2020, ngành du lịch Hà Nội có khoảng 126.700 lao động trực tiếp, chiếm 13,5% lực lượng lao động toàn ngành kinh tế xanh Việt Nam. Hà Nội phấn đấu 100% lực lượng lao động trực tiếp tại Thủ đô được trang bị, đào tạo kiến thức du lịch.

Để có thể đào tạo, bồi dưỡng số lượng lao động lớn như vậy, Sở Du lịch TP. Hà Nội đã chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, thường xuyên mở các lớp đào tạo chuyên sâu, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, kiến thức cho cán bộ, người làm du lịch trên địa bàn Thành phố.

Lãnh đạo Sở Du lịch TP. Hà Nội cho biết, du lịch cộng đồng đang ngày càng phát triển tại Việt Nam nói chung, Thủ đô nói riêng, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân tại nhiều địa phương. Nguồn nhân lực tham gia trực tiếp trong hoạt động du lịch cộng đồng không ai khác chính là bà con nhân dân tại địa phương. Đây là mắt xích quan trọng trong guồng chuyển động của du lịch nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng.

Chính vì thế, chỉ ít ngày sau khi dừng thực hiện giãn cách xã hội, Sở Du lịch TP. Hà Nội đã phối hợp UBND huyện Thường Tín tổ chức Hội nghị tập huấn về ứng xử văn minh du lịch cho người dân làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín), thu hút hơn 100 người dân làng nghề tham dự.

Tại buổi tập huấn, TS. Nguyễn Thị Thu Thủy (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chia sẻ với người dân làng nghề sơn mài những kinh nghiệm thực tế; hướng dẫn phong cách, thái độ giao tiếp; nhu cầu của khách khi đến các điểm du lịch… Nhiều nghệ nhân có tiếng khi nghe “giảng bài” đã không khỏi ngạc nhiên và nhận ra, lâu nay, mình giỏi sáng tạo sản phẩm, nhưng lại chưa biết cách bán sản phẩm, làm du lịch.

“Người dân phải được trang bị kiến thức về du lịch để khắc phục nhược điểm trong đón tiếp khách. Phải khơi dậy trong họ lòng tự hào về làng quê của mình, để họ có thể chia sẻ với du khách những câu chuyện về văn hóa, lịch sử và nghề thủ công truyền thống…”, TS. Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết.

Sau buổi tập huấn, bà Lê Hồng Thắm (xã Duyên Thái) phấn khởi nói: “Nhờ được tham gia các lớp đào tạo về kiến thức du lịch cộng đồng, mà tôi hình dung rõ hơn vai trò của mình trong việc thu hút khách du lịch đến địa phương. Tôi hiểu rằng, từ thái độ đến kiến thức đều phải thực sự chuẩn mực, chuyên nghiệp, thì mới để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khách du lịch”.

Chú trọng phát triển du lịch cộng đồng

Những năm gần đây, du lịch cộng đồng là mô hình du lịch tập trung khai thác các giá trị văn hóa, lối sống, ẩm thực... thuộc sở hữu của cộng đồng dân cư. Đây là xu thế đang phát triển mạnh trên thế giới khi nhu cầu trải nghiệm văn hóa của khách du lịch ngày càng tăng. Trái với các loại hình du lịch như nghỉ dưỡng, khám phá, ở mô hình du lịch cộng đồng, người dân đóng vai trò trung tâm trong hướng dẫn du khách trải nghiệm, cảm nhận văn hóa, lối sống, ẩm thực… cũng như cung cấp các dịch vụ du lịch khác cho khách.

Tại Hà Nội, khu phố cổ, các làng nghề, làng cổ, danh lam, thắng cảnh nằm trong cộng đồng dân cư là những địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Gần đây, đại dịch Covid-19 làm thay đổi nhu cầu tiêu dùng của khách du lịch. Họ có xu hướng tự tìm kiếm địa chỉ du lịch, tự khám phá, thay vì tham gia các tour đông người. Đây là cơ hội cho du lịch cộng đồng phát triển.

Bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, Chánh văn phòng Sở Du lịch TP. Hà Nội cho biết: “Hà Nội luôn chú trọng phát triển du lịch văn hóa, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng. Những năm qua, Sở đã phối hợp các địa phương mở nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng làm du lịch cho người dân ở các điểm du lịch, các làng nghề, làng cổ có tiềm năng du lịch cộng đồng tại xã Cổ Loa (Đông Anh), xã Hương Sơn (Mỹ Đức), làng Cựu (Phú Xuyên), làng Lai Xá (Hoài Đức), làng sinh vật cảnh Hồng Vân và làng sơn mài Hạ Thái (Thường Tín)… Riêng năm 2019, Sở đã tổ chức 40 buổi tập huấn. Khi có kỹ năng, người dân có thể truyền tải những nét đẹp văn hóa của quê hương đến du khách”.

Từ những hoạt động ban đầu chỉ gồm tham quan, ăn uống mang tính tự phát, với sự hỗ trợ của Sở Du lịch, chính quyền các địa phương, Hà Nội đã có nhiều mô hình du lịch cộng đồng khá hấp dẫn.

Nổi bật trong đó phải kể đến làng gốm Bát Tràng, làng cổ Đường Lâm, làng rối nước Đào Thục… với các sản phẩm du lịch đồng bộ. Du khách tới tham quan những điểm du lịch này được trải nghiệm các hoạt động văn hóa, thưởng thức đặc sản ẩm thực, mua những món quà lưu niệm mang đậm bản sắc địa phương và có thể ngủ lại tại các homestay. Hầu hết các dịch vụ đều do chính người dân bản địa thực hiện. Tại Bát Tràng, trước đây, dịch vụ ăn uống chủ yếu là tự phát, thì nay, đã có các nhà hàng chuyên phục vụ đặc sản, trong không gian nhà cổ.

Sau khi tham quan làng gốm Bát Tràng, bà Hoàng Kiều Trang (phố Thiên Hiền, Mỹ Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Chúng tôi tới một khu lò gốm cổ được lưu giữ hàng trăm năm ở gần chợ Bát Tràng và được chủ nhà giới thiệu hết sức chuyên nghiệp, tận tình. Chủ nhà cũng rất vui vẻ khi tôi chỉ tham quan, mà không tham gia các dịch vụ có thu phí. Hỏi ra mới biết là họ đã được tập huấn kỹ năng làm du lịch, nên rất chu đáo với khách”.

Nâng chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch

Cùng với việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho người làm du lịch, Sở Du lịch TP. Hà Nội cũng chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch. Đầu tháng 7, Sở đã tổ chức chuyên đề “Bối cảnh, xu hướng và giải pháp phát triển du lịch hậu Covid-19” cho đội ngũ phụ trách mảng du lịch ở các quận, huyện, thị xã.

Lãnh đạo Sở Du lịch TP. Hà Nội cho biết, lực lượng này vẫn còn mỏng, chất lượng cán bộ không đồng đều, trong đó, không có nhiều người được đào tạo chuyên ngành du lịch. Thống kê cho thấy, toàn Thành phố có khoảng 120 cán bộ quản lý về du lịch, bao gồm cán bộ, công chức của Sở Du lịch; cán bộ, viên chức phụ trách xúc tiến du lịch thuộc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP. Hà Nội và cán bộ, công chức chuyên quản lý lĩnh vực du lịch tại UBND quận, huyện, thị xã. Ước tính, chỉ có khoảng 1/3 quận, huyện, thị xã có cán bộ chuyên trách về du lịch được đào tạo cơ bản; còn lại là “tay ngang”. Trong khi đó, cán bộ phụ trách du lịch tại các phường, xã, thị trấn có điểm du lịch đều là kiêm nhiệm.

Bà Vũ Thị Thanh Thúy, Phó trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Nam Từ Liêm, học viên tham gia lớp tập huấn của Sở Du lịch TP. Hà Nội chia sẻ: “Qua chương trình tập huấn, tôi hiểu thêm về cách kết nối với doanh nghiệp và du khách, xây dựng sản phẩm du lịch… Đây là những kiến thức thiết thực, giúp chúng tôi đóng góp nhiều hơn nhằm phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng của địa phương”.

Trực tiếp tham gia đào tạo, tập huấn cho cán bộ, người làm du lịch của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, PGS-TS. Phạm Hồng Long, Chủ nhiệm Khoa Du lịch (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá: “Hà Nội là một trong những địa phương tổ chức các chương trình tập huấn kiến thức bài bản, có chiều sâu, gắn với thực tiễn, nên rất hiệu quả”.

Tuy nhiên, theo PGS-TS. Phạm Hồng Long, du lịch là ngành có tính đặc thù cao, đòi hỏi sự chuyên nghiệp, do vậy, nguồn nhân lực phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu như nền tảng văn hóa, kiến thức, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp và bản lĩnh nghề nghiệp… Đồng thời, bản thân những người hoạt động trong lĩnh vực này cũng phải không ngừng học hỏi nâng cao trình độ, nhất là trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ và cạnh tranh ngày càng quyết liệt như hiện nay.

Những năm qua, ngoài các lớp do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức, các quận, huyện Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đông Anh, Mỹ Đức, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, Sóc Sơn, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm… cũng đã tổ chức các lớp tập huấn cho người làm du lịch tại địa phương.

Sở Du lịch TP. Hà Nội cho biết, thời gian tới, các lớp tập huấn dành cho cán bộ phụ trách du lịch sẽ được tổ chức thường xuyên hơn. Nguyên tắc xuyên suốt là “bảo đảm chất lượng, tránh hình thức”. Tuy nhiên, hiệu quả tập huấn cũng phụ thuộc vào thái độ cầu tiến của học viên. Chỉ khi từng người ý thức rõ về yêu cầu nâng cao trình độ, thì Hà Nội mới có được đội ngũ cán bộ quản lý du lịch đồng đều và đủ mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch Thủ đô.

Cần chuẩn hóa nhân lực ngành du lịch

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch, thực hiện chuẩn hóa theo tiêu chuẩn của khu vực và trên thế giới, Hà Nội cần có cơ chế hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý du lịch như tổ chức tập huấn, đào tạo tại các cơ sở trong và ngoài nước hoặc mời chuyên gia nước ngoài đào tạo, tập huấn tại Thủ đô.

Cùng với đó, cần chú trọng tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức văn hóa - du lịch các quận, huyện, thị xã; tiếp tục nâng cao nhận thức, khả năng giao tiếp, thái độ ứng xử văn hóa, văn minh của cộng đồng dân cư tại các điểm đến du lịch...

PGS-TS. Phạm Hồng Long, Chủ nhiệm Khoa Du lịch (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội)

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ha-noi-dao-tao-nhan-luc-du-lich-bai-ban-co-chieu-sau-d126097.html