Hà Nội: đào tạo cần gắn với thực hành và nhu cầu xã hội tránh tình trạng 'thừa thầy, thiếu thợ'

Sáng ngày 17/11, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về 'Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế'.

Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long cùng đại diện các tổ chức, đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội.

Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hà Nội (ảnh: Dangcongsan)

Sau 5 năm triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, thành phố Hà Nội đã thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đạt được những kết quả toàn diện. Những kết quả này đã đưa Hà Nội tiếp tục trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về lĩnh vực GDĐT.

Đến hết năm 2017, tỷ lệ trường đạt Chuẩn quốc gia của toàn thành phố đạt 52% (trong đó công lập là 62%, dự kiến hết năm 2018 sẽ đạt 66%. Cùng đó, mạng lưới trường lớp được mở rộng, cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng học tập được tăng cường đầu tư, đội ngũ cán bộ giáo viên được tăng cường và đảm bảo chuyên môn, năng lực sư phạm…

Đặc biệt, 5 năm qua, hệ thống giáo dục trường tư thục trên địa bàn Hà Nội phát triển mạnh. Năm 2018-2019, Hà Nội có 520 trường tư thục với gần 255.000 học sinh, trên 28.000 giáo viên, so với 5 năm trước thì đã tăng 145 trường học, tăng 127.518 học sinh, tăng 13.423 giáo viên và tăng 7.779 phòng học…

Hà Nội cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng giải thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Năm học 2017-2018, ngoài các kỳ thi Olympic quốc tế, học sinh Hà Nội còn xuất sắc giành được hơn 140 giải và huy chương các loại trong các kỳ thi Olympic toán học, khoa học trẻ quốc tế ở cấp tiểu học, trung học cơ sở.

Tuy nhiên, ngành GDĐT Thủ đô cũng còn không ít tồn tại, hạn chế như: nhiều phường của các quận ven đô có số lớp học/ trường, học sinh/ lớp vượt quá quy định điều lệ trường học; cơ sở vật chất của các trường ngoài công lập không ổn định, chủ yếu phải thuê mượn, thường xuyên thay đổi địa điểm; trình độ chuyên môn và chất lượng đội ngũ giáo viên còn có sự chênh lệch giữa các vùng; việc phân luồng học sinh sau THCS và THPT chưa hiệu quả; công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh chưa đáp ứng được yêu cầu…

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, sự nghiệp xây dựng Thủ đô và đất nước ta trong kỷ nguyên công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhất là trong thời kỳ của cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số, kinh tế tri thức, phát triển bền vững đòi hỏi chúng ta phải quan tâm nhiều hơn, tạo bước chuyển mạnh hơn nữa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Đồng chí cũng lưu ý đến việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo gắn với quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng nghiệp học nghề và phân luồng học sinh sau trung học, tăng cường sự phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp. Tham gia phối hợp thực hiện các cơ chế, chính sách đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên. Chú trọng đào tạo gắn với thực hành và nhu cầu xã hội; tránh tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ"…

Minh Vy (t/h)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/ha-noi-dao-tao-can-gan-voi-thuc-hanh-va-nhu-cau-xa-hoi-tranh-tinh-trang-thua-thay-thieu-tho-20181117165328531.htm