Hà Nội: Danh tính 3 chung cư vi phạm PCCC chuyển cơ quan điều tra

Thiếu tướng Hoàng Quốc Định - GĐ Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội thông tin về 3 chung cư vi phạm PCCC bị chuyển sang cơ quan điều tra.

Tai cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều nay, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định - GĐ Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho hay, tính cả năm 2017 và quý 1/2018, toàn TP xảy ra 1.100 vụ cháy nổ, khiến 24 người chết, 18 người bị thương, thiệt hại ước tính hơn 600 tỷ đồng.

Thiếu tướng Hoàng Quốc Định - GĐ Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội.

Liên quan đến 79 công trình vi phạm PCCC nhưng đã đưa vào sử dụng trên địa bàn TP, ông Định cho hay, đến ngày 23/3 vẫn còn 31/79 công trình chưa thực hiện được việc khắc phục các vi phạm PCCC. Trong đó, có 4 công trình của DN tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên.

Theo GĐ Sở PCCC Hà Nội, từ ngày 23/3 đến nay, các chủ đầu tư vẫn tập trung thực hiện, khắc phục các vi phạm về PCCC và đến sáng 3/4, theo báo cáo, đã có thêm có 2 công trình được hoàn thiện, nghiệm thu về an toàn PCCC.

Đến thời điểm hiện tại, vẫn còn 29 công trình chưa được thẩm định, nghiệm thu về PCCC. Trong đó, có 15 công trình khó có khả năng khắc phục.

Thiếu tướng Định cũng cho hay, trong số các công trình chung cư chưa được thẩm định, nghiệm thu, có 3 chung cư đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.

Danh tính 3 công trình bị chuyển sang cơ quan điều tra được tướng Định thông tin là: tòa nhà CT4 Văn Khê, Hà Đông do công ty cổ phần Sông Đà 1 làm chủ đầu tư và chung cư CT5A- B và CT6 ở Văn Khê do công ty CP Hà Châu OSC làm chủ đầu tư.

Liên quan đến việc mới đây UBND TP Hà Nội có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Công an hạ chuẩn phòng cháy cho 17 công trình nhà chung cư cao tầng có vi phạm, tướng Định khẳng định, đây không phải hạ mức tiêu chuẩn, quy chuẩn mà là thay thế bằng các giải pháp khác tương xứng, thậm chí có thể tăng cao hơn, về góc độ chuyên môn kỹ thuật liên quan đến PCCC có thể chấp nhận được.

Đồng thời, theo tướng Định, trong quản lý Nhà nước của các địa phương thì có thể được đề nghị có biện pháp bổ sung thay thế các vấn đề liên quan PCCC.

Liên quan đến phương án chữa cháy chung cư cao tầng khi có hỏa hoạn xảy ra, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết, về chủ trương, ý tưởng TP Hà Nội cũng tính đến phương án mua máy bay trực thăng để cứu nạn, cứu hộ và chữa cháy nhà cao tầng. Tuy nhiên, theo ông Định đây là dự kiến tầm nhìn có tính khả thi trong giai đoạn 2025 - 2030.

"Trong điều kiện kinh tế - xã hội và hạ tầng hiện nay, việc đầu tư trực thăng phục vụ công tác chữa cháy là quá sức với Việt Nam. Bởi khi mua trực thăng chúng ta phải tính đến hàng loạt dịch vụ đi theo như sân bãi, kho bảo quản, hệ thống không lưu…", Thiếu tướng Hoàng Quốc Định nói.

Nghiên cứu làm thang thoát hiểm bên ngoài nhà trên 15 tầng

Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam đề nghị các ban ngành của TP phải có biện pháp gây sức ép đến các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc các phương án PCCC.

“So với chủ đầu tư, chúng ta luôn bị động trọng vấn đề này. Như chủ đầu tư Carina, xảy ra chuyện vào bệnh viện vì ốm, đổ hết trách nhiệm cho chính quyền địa phương. Đã có câu chuyện như vậy thì tại sao chúng ta không trói trách nhiệm của chủ đầu tư bằng tất cả hồ sơ, biên bản, thậm chí tổ chức cưỡng chế vi phạm”, ông Nam nói.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đề nghị lực lượng chức năng TP trước 30/4 phải yêu cầu các chủ đầu tư khắc phục xong PCCC các tòa nhà (trong 79 tòa) có khả năng khắc phục.

Ông Sửu cũng cho biết, ông sẽ đi kiểm tra bất ngờ các công trình, bắt quả tang và xử lý tại chỗ những tòa nhà vi phạm PCCC. Những công trình này thiếu cái gì thì chủ đầu tư và chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm.

Trước thực trạng hiện nay các xe cứu hộ của lực lượng PCCC chỉ vươn lên đến tầng 14-15 (khoảng 50m) các tòa nhà, ông Sửu đề nghị đơn vị liên quan của TP nghiên cứu làm cầu thang thoát nạn bên ngoài các tòa nhà cao trên 15 tầng.

Hương Quỳnh

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/ha-noi-danh-tinh-3-chung-cu-vi-pham-pccc-bi-chuyen-co-quan-dieu-tra-439432.html