Hà Nội: Danh sách 15 chung cư khó khắc phục vi phạm PCCC

Cảnh sát PCCC Hà Nội công bố danh sách 15 chung cư cao tầng khó có khả năng khắc phục vi phạm PCCC.

Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội phát biểu tại buổi giao ban báo chí chiều 3/4.

Tại buổi họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức vào chiều ngày 3/4, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 1.100 vụ cháy, nổ làm 24 người chêt, 18 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính 617 tỷ đồng.

Theo Thiếu tướng Định, số vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng chỉ chiếm từ 2-3% nhưng thiệt hại chiếm khoảng 90%.

Trả lời câu hỏi báo giới về việc khắc phục vi phạm về PCCC tại các chung cư trên địa bàn Thành phố, ông Định cho hay, đối với 79 công trình đã đưa vào sử dụng (người dân đã vào ở) mà thành phố đã công khai vào năm 2017, đến nay đã có 48/79 công trình khắc phục xong tồn tại và được tổ chức nghiệm thu về PCCC. Còn 31 công trình còn tồn tại vi phạm, quy định. Trong số 31 công trình này, có 16 công trình có khả năng khắc phục sai phạm, 13/16 công trình đã khắc phục được khoảng 60% sai phạm.

Tuy nhiên, 3 công trình trong số này đang chây ì, không thực hiện khắc phục gồm: chung cư CT4 Văn Khê (tại khu đô thị Văn Khê, Hà Đông) do Công ty CP Sông Đà là chủ đầu tư; chung cư CT5 A, B Văn Khê và chung cư CT6 Văn Khê (khu đô thị Văn Khê, của công ty CP Hà Châu OSC làm chủ đầu tư).

Với 3 công trình này, Sở Cảnh sát PCCC đã tập trung thu thập tài liệu hồ sơ, chuyển cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội thụ lý.

“Đây là một việc bất đắc dĩ, cực chẳng đã. Ở đây tồn tại vi phạm kéo dài, ý thức tiếp thu kém, đã xử lý hành chính nhưng cố tình không khắc phục", Thiếu tướng Định cho hay.

Còn lại 15 công trình khó có khả năng khắc phục, Cảnh sát PCCC thành phố đã xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP, báo cáo Bộ Xây dựng, Bộ Công an xin các biện pháp, giải pháp cơ bản để khắc phục.

Danh sách các công trình này bao gồm:

1.Chung cư mini Bồ Đề (ngõ 193 phố Bồ Đề, phường Bồ Đề, quận Long Biên);

2.Nhà ở nhiều hộ gia đình (số 76 Cự Lộc, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân);

3.Tòa nhà văn phòng cho thuê và để ở (số 88 Tô Vĩnh Diện, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân);

4.Trung tâm Thương mại và nhà ở cao tầng ( số 27 Lạc Trung, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng);

5.Nhà ở chung cư cao tầng kinh doanh (số 46/230 Lạc Trung, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng);

6.Nhà ở cho cán bộ chiến sỹ Tổng cục V- Bộ Công an (Tòa nhà T6/08) (Ở KĐT mới cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm);

7.Nhà ở và để bán cho cán bộ chiến sĩ Công an huyện Gia Lâm- Nhà 9 tầng nhà C (ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên);

8.Tòa nhà C17 Bộ Công an (ở Tổ 14 Ngọc Thụy, quận Long Biên);

9.Nhà ở cho cán bộ, giáo viên Học viện Quốc tế (ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì);

10.Trung tâm Thương mại và căn hộ chung cư (Khu Đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông);

11.Nhà Chung cư BMM (Khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông);

12.Tòa nhà chưng cư 89 Phùng Hưng (ở Phúc La, quận Hà Đông);

13.Nhà chung cư CT4 (ở Khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông);

14.Tòa CT2 Xa La (ở Khu đô thị Xa La, quận Hà Đông);

15.Tòa Nhà Capital Garden (ở Ngõ 102 Trường Chinh, quận Đống Đa)

Riêng đối với chung cư mini, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho biết vẫn còn một loạt khoảng trống từ các quy định, thủ tục xây dựng đến khi đưa vào hoạt động cho thuê, bán. Các ngành chức năng như tài nguyên môi trường, xây dựng, PCCC, các quận huyện phường đang rà soát để đưa vào siết chặt quản lý.

“Chung cư này điều kiện PCCC rất hạn chế tiềm ẩn nhiều nguy cơ, dân không nên mua không nên sử dụng”, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định khuyến cáo.

Chưa thể mua trực thăng để chữa cháy

Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho biết, về chủ trương, ý tưởng thành phố Hà Nội cũng tính đến phương án mua máy bay trực thăng để cứu nạn, cứu hộ và chữa cháy nhà cao tầng. Tuy nhiên, theo ông Định đây là dự kiến tầm nhìn có tính khả thi trong giai đoạn 2025 – 2030.

“Trong điều kiện kinh tế - xã hội và hạ tầng hiện nay, việc đầu tư trực thăng phục vụ công tác chữa cháy là quá sức với Việt Nam. Bởi khi mua trực thăng chúng ta phải tính đến hàng loạt dịch vụ đi theo như sân bãi, kho bảo quản, hệ thống không lưu…”, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định nói.

Lưu Huế

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/ha-noi-danh-sach-15-chung-cu-kho-khac-phuc-vi-pham-pccc-d250297.html