Hà Nội dành hơn 312 tỷ đồng hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Xác định tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) là yếu tố cốt lõi tạo ra thành công của các doanh nghiệp và sự hưng thịnh cho đất nước. Mới đây, Hà Nội đã công bố chính thức Đề án 'Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP. Hà Nội' và các chính sách thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn thành phố (TP) giai đoạn 2019 - 2025 với tổng kinh phí 312,9 tỷ đồng.

Theo đó, số tiền này được trích từ nguồn ngân sách nhằm mục tiêu đưa Hà Nội thành một trong những trung tâm khởi nghiệp sáng tạo dẫn đầu. Đề án được thành lập theo Quyết định số 4889/QĐ-UBND nhằm tạo cơ sở về cơ chế, chính sách đột phá nhằm hỗ trợ, phát triển hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững.

Phấn đấu đến hết năm 2025 hỗ trợ 500 dự án khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn

Một trong những mục tiêu chính của đề án là kết nối các thành phần của hệ sinh thái để hình thành mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; hình thành trung tâm ĐMST và khởi nghiệp của TP với vai trò kết nối các nguồn lực trong nước, quốc tế, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn.

 Hà Nội dành hơn 312 tỷ đồng hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Hà Nội dành hơn 312 tỷ đồng hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Chính vì thế, đề án sẽ hỗ trợ hình thành 3 - 5 vườn ươm doanh nghiệp hoặc không gian khởi nghiệp chung, để phục vụ hoạt động hỗ trợ ĐMST. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, đề án sẽ hỗ trợ phát triển 500 dự án ĐMST, trong đó có 150 doanh nghiệp ĐMST thương mại hóa được sản phẩm và ít nhất 20% doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 500 tỷ đồng....

Các đối tượng được hưởng lợi từ đề án sẽ là các dự án khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, sáng tạo thuộc các ngành, lĩnh vực có lợi thế, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô; các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp ĐMST; các tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất - kỹ thuật, truyền thông cho khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Hà Nội (vườn ươm doanh nghiệp, tổ chức tăng tốc kinh doanh, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức trung gian trong hệ sinh thái ĐMST) cùng các quỹ đầu tư, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Chia sẻ thêm về đề án, ông Lê Văn Quân - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa - cho biết: Để nhận được hỗ trợ từ đề án, người đứng đầu tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cần phải có ít nhất 1 năm kinh nghiệm hoạt động tư vấn đầu tư, tài chính và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp; ít nhất 1 năm hoạt động, cung cấp dịch vụ cho ít nhất 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và đã đầu tư hoặc gọi vốn đầu tư được ít nhất 1 tỷ đồng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.

Nếu được lựa chọn, các dự án khởi nghiệp sẽ được hỗ trợ tài chính và thúc đẩy hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; kiến tạo môi trường để thu hút đầu tư, khai thác tối đa các nguồn lực của xã hội nhằm hỗ trợ, đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Ban Vận động thành lập Hiệp hội Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP. Hà Nội

Tránh việc làm méo mó thị trường khởi nghiệp

Theo thống kê, tính đến 26/10/2019, số lượng doanh nghiệp đã đăng kí thành lập trên địa bàn Hà Nội khoảng 275.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 97%. Mỗi năm, số lượng doanh nghiệp tăng từ 9-13%. Bình quân cứ khoảng 35.000 người dân thủ đô thì có 1 doanh nghiệp, cao gấp 3,8 lần mức bình quân chung của cả nước. Bên cạnh đó, trong 10 tháng đầu năm 2019, TP đã cấp giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp cho hơn 22.000 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng kí trên 266.295 tỉ đồng. So với cùng kì năm trước, con số này tăng 9% về số lượng doanh nghiệp và tăng 28% về số vốn. Dựa trên những con số “biết nói” trên, có thể thấy hoạt động khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đang cực kỳ sôi động.

Nhận định về Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP. Hà Nội”, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chia sẻ: Ngoài hỗ trợ tài chính, để có điều kiện phát triển, TP. Hà Nội nên hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm khởi nghiệp. Những dự án khởi nghiệp có tính khả thi mới nên được hỗ trợ và sau 6 tháng nếu KPI của dự án đó không tốt thì nên rút vốn tài chính hỗ trợ.

"Việc vận hành và quản lý các dự án khởi nghiệp nên để khối tư nhân làm và khối nhà nước chỉ nên hỗ trợ, chia sẻ đồng hành với dự án, không tính tới lợi nhuận vì nếu góp vốn theo kiểu cổ phần sẽ làm méo mó thị trường khởi nghiệp", ông Quất cho biết thêm.

Trong dịp này, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cũng công bố quyết định công nhận Ban vận động thành lập Hiệp hội Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP. Hà Nội. Kỳ vọng rằng, Đề án này sẽ mở ra nhiều cơ hội hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và khởi nghiệp ĐMST phát triển trong thời gian tới.

Ngọc Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-noi-danh-hon-312-ty-dong-ho-tro-he-sinh-thai-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-128239.html