Hà Nội đáng sống và đáng đầu tư

Ghi nhận những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của Hà Nội trong thời gian qua, Các tổ chức và DN nước ngoài khuyến nghị chính quyền TP tiếp tục đổi mới công nghệ, cải thiện hạ tầng và ưu tiên phát triển xanh.

 Chủ tịch EuroCham Việt Nam Nicolas Audier

Chủ tịch EuroCham Việt Nam Nicolas Audier

Chủ tịch EuroCham Việt Nam Nicolas Audier: Sức hút lớn với nhà đầu tư ngoại

Những thay đổi của môi trường kinh doanh tại Hà Nội thể hiện rất rõ trong vài năm qua. Môi trường cởi mở, hấp dẫn và thân thiện với DN hơn. Việc nhiều DN trong số 1.000 thành viên của chúng tôi, từ các DN vừa và nhỏ đến các công ty đa quốc gia lớn đã chọn Hà Nội làm cơ sở cho hoạt động tại Việt Nam là minh chứng cho sự thu hút của Hà Nội đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, chính quyền TP đã cởi mở hơn, thông qua đối thoại và giao tiếp với cộng đồng DN quốc tế. Lãnh đạo TP và các sở sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ quan ngại các DN và nhà đầu tư nước ngoài cũng như hợp tác để tìm ra giải pháp cho các vướng mắc của DN.

Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) ký tại Hà Nội vào tháng 6 vừa qua được kỳ vọng sẽ mở ra làn sóng đầu tư nước ngoài mới từ châu Âu vào Việt Nam. Cùng với TP Hồ Chí Minh, Hà Nội dự kiến sẽ thu hút nhiều dự án đầu tư mới. Đầu tư trực tiếp nước ngoài có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Do đó, Hà Nội cần tiếp tục tìm kiếm các giải pháp tích cực để tạo ra môi trường đầu tư cạnh tranh hơn và thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài trong tương lai.

Thứ nhất, TP nên tập trung vào phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài sáng giá, tài giỏi và cạnh tranh. Thứ hai, thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhằm tăng tính thu hút của môi trường thương mại và đầu tư. Thứ ba, Hà Nội cần tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng của TP với nhiều dự án PPP hơn.

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen: Hà Nội phải là TP thông minh và xanh

Tôi mới ở Việt Nam được một năm và đã nhận thấy quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo TP Hà Nội, đặc biệt là Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung trong việc biến Hà Nội thành một TP đáng sống hơn cho người dân, một điểm đến hấp dẫn hơn cho khách du lịch và một địa chỉ đầu tư hứa hẹn cho các DN nước ngoài.

Một môi trường đầu tư thân thiện phải là một môi trường tốt theo nhiều nghĩa: DN được tạo thuận lợi, Chính phủ điện tử phát triển với các thủ tục hành chính đơn giản hóa và số hóa. Hà Nội phải là TP thông minh và xanh. TP Oslo có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển đô thị xanh và thông minh.

Chúng tôi đã áp dụng các biện pháp như cấm đỗ ô tô ở một số tuyến phố, di dời các bãi đỗ xe và thay thế bằng đường dành cho xe đạp và những công viên nhỏ, nâng cao chất lượng hệ thống vận tải công cộng, sử dụng xe buýt điện trong TP và đảm bảo những tuyến xe đạp an toàn và tiện lợi…

ICT, số hóa và đầu tư thân thiện với môi trường là các lĩnh vực hứa hẹn nhiều cơ hội mà Hà Nội và các công ty và tổ chức của Na Uy cần tìm hiểu để hợp tác. Tôi nhớ là trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Na Uy tháng 5 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã gặp gỡ và trao đổi với các DN Na Uy về vấn đề này.

Thật mừng khi biết rằng Hà Nội đang lên kế hoạch cấm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong hệ thống siêu thị vào cuối năm sau. Về vấn đề này, tôi chắc chắn Na Uy có nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường để xử lý rác thải, trong đó có tái chế nhựa.

Hà Nội có thể quan tâm tới Dự án OPTOCE mà Na Uy đang tài trợ liên quan tới sử dụng rác thải nhựa không thể tái chế làm tài nguyên cho ngành công nghiệp xi măng. Mô hình đối tác công tư là yếu tố then chốt để đẩy mạnh các kế hoạch xanh không chỉ ở Hà Nội mà trên toàn cầu. Na Uy sẵn sàng sàng chuyển giao tri thức và công nghệ.

Đại sứ Singapore tại Việt Nam Catherine Wong

Đại sứ Singapore tại Việt Nam Catherine Wong: Mong muốn hợp tác phát triển đô thị thông minh

Trong những năm gần đây, Việt Nam và Hà Nội đã đạt được những bước tiến lớn trong cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là trong việc thu hút FDI. UBND TP Hà Nội đã rất tích cực đối thoại với các DN của chúng tôi, vốn rất quan tâm tới việc mở rộng đầu tư tại đây.

Đơn cử, tháng 7/2019, Cơ quan Phát triển DN Singapore (ESG) và Liên đoàn DN Singapore (SBF) đã tổ chức một trong những đoàn DN Singapore lớn nhất trong vài năm trở lại đây thăm Hà Nội và một số địa phương khác của Việt Nam. Trong chuyến thăm đó, đoàn đã có cuộc đối thoại rất triển vọng với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về những cơ hội kinh doanh mới ở TP.

Hiện, Singapore là nhà đầu tư lớn thứ ba ở Việt Nam và lớn thứ hai tại Hà Nội. Hà Nội là một địa điểm đầu tư hấp dẫn đối với các DN Singapore và hiện có nhiều cơ hội đầu tư ở đây. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư tại Hà Nội, điều quan trọng là chính quyền TP tạo ra được môi trường hoạt động thuận lợi và dễ đoán cho họ. Singapore ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và chính quyền Hà Nội trong việc duy trì một trường đầu tư thuận lợi để các DN nước ngoài hoạt động.

Ngoài ra, cả hai bên đều nên khuyến khích hoạt động đầu tư vượt khỏi ranh giới các lĩnh vực truyền thống. Ví dụ, các DN Singapore rất mong được đóng góp vào kế hoạch phát triển đô thị thông minh của Việt Nam và Hà Nội, từ các giải pháp đô thị công nghệ cao tới Chính phủ điện tử, để tăng cường việc cung cấp dịch vụ công, tạo thuận lợi và nâng cao đời sống cho người dân Việt Nam. Một lĩnh vực khác mà các DN Singapore muốn tham gia là cung cấp các giải pháp đô thị như quy hoạch, quản lý giao thông, quản lý nước và chất thải. Công nghệ tài chính (fintech) cũng là một lĩnh vực tiềm năng.

Trưởng đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội Takeo NAKAJIMA

Trưởng đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội Takeo NAKAJIMA: Hà Nội có tầm quan trọng đặc biệt với DN Nhật Bản

Đầu tư của các DN Nhật Bản tại Hà Nội đạt 1,6 tỷ USD với 1.086 dự án (tính đến cuối năm 2018). Như vậy, đầu tư của các DN Nhật Bản tại Hà Nội chiếm khoảng 27% (về số dự án) trên tổng đầu tư vào Việt Nam, điều đó cho thấy tầm quan trọng của TP Hà Nội. Các lĩnh vực đầu tư đa dạng từ công nghiệp chế tạo đến bán buôn bán lẻ, IT…

Tháng 3/2019, UBND TP Hà Nội đã phối hợp với Nhật Bản tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư và du lịch tại Hà Nội, qua đó lãnh đạo TP đã lắng nghe những kiến nghị từ các DN Nhật Bản.

Nhiều DN Nhật Bản nhận thức được sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Tuy nhiên, còn nhiều DN vẫn cảm thấy rủi ro trong các thủ tục hành chính phức tạp cũng như việc vận hành pháp luật thiếu minh bạch. Hơn nữa, cần cải thiện môi trường sống tốt hơn bằng việc xử lý các vấn đề như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước và nạn ách tắc giao thông.

Nếu không ứng phó được những tác động tiêu cực từ quá trình đô thị hóa và phát triển công nghiệp thì FDI có nguy cơ chững lại. ở lĩnh vực này, các DN nước ngoài, bao gồm các DN Nhật Bản, đều có kiến thức nên rất mong TP hãy tìm đến sự hỗ trợ từ họ. Đây cũng là yếu tố góp phần làm tăng sự hấp dẫn của TP.

Minh Tuấn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ha-noi-dang-song-va-dang-dau-tu-354512.html