Hà Nội đã huy động hơn 56.500 tỷ đồng cho phát triển nông thôn

Chiều 1-7, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm thực hiện Chương trình số 02-Ctr/TU của Thành ủy về 'phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020', nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2020.

Dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU.

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, Ban chỉ đạo Chương trình 02-Ctr/TU đã tiến hành kiểm tra thực hiện Chương trình tại các huyện Chương Mỹ, Thường Tín, Ba Vì. Đồng thời, chỉ đạo Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo kiểm tra tại các huyện, thị xã nhằm tháo gỡ khó khăn cho cơ sở trong quá trình tổ chức thực hiện, đặc biệt đối với các huyện đăng ký đạt chuẩn NTM, các xã đăng ký đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao năm 2020.

 Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Ông Chu Phú Mỹ cũng cho hay, từ đầu năm 2016 đến hết tháng 6-2020, thành phố đã huy động tổng kinh phí thực hiện Chương trình 02-Ctr/TU đạt hơn 56.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước đạt 4.812 tỷ đồng (đóng góp của nhân dân là 1.976 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp, hợp tác xã là 2.037,54 tỷ đồng, các nguồn vốn khác là 798,47 tỷ đồng). Trong công tác nâng cao đời sống nông dân, đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố đã đạt 51,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 0,69%. Trong đó, các huyện Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm không còn hộ nghèo. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được quan tâm, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đối với người nghèo, người có công.

Về kết quả xây dựng NTM, thành phố đã có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm. Tính chung toàn thành phố, đã có 355/382 xã (chiếm 92,9%) được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn NTM, 13 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đoàn thẩm tra thành phố cũng đã tiến hành thẩm định 7 địa phương đủ điều kiện, đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND thành phố xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM: Thị xã Sơn Tây, huyện Thạch Thất, Phúc Thọ, Thường Tín, Thanh Oai, Sóc Sơn, Phú Xuyên.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá, 6 tháng đầu năm, công tác thực hiện Chương trình 02-Ctr/TU đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các huyện, thị xã trên địa bàn cần rà soát, đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện Chương trình để đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn 5 năm tiếp theo. Các địa phương cần xây dựng các đề án cụ thể thực hiện Chương trình, nhất là những huyện đã được phê duyệt phát triển thành quận.

Trong phát triển nông nghiệp, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp năm 2020 đúng kịch bản đã đề ra là 4,12% trở lên. Đồng thời, đôn đốc triển khai ứng dụng công nghệ cao, chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, năng suất, chất lượng cao. Cùng với đó, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm.

Về xây dựng NTM, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các sở, ngành nâng cao trách nhiệm, sớm hoàn thiện hồ sơ 7 huyện, thị xã công nhận đạt chuẩn NTM trong năm 2020 để báo cáo UBND thành phố. Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý, trong thời gian tới, các huyện, thị xã cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khuyến công, phát triển làng nghề. Đối với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từng địa phương cần rà soát, tập trung hoàn thành mục tiêu có 700 sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố trong năm 2020.

Tin, ảnh: NGUYỄN VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/ha-noi-da-huy-dong-hon-56-500-ty-dong-cho-phat-trien-nong-thon-624813