Hà Nội đã hành động chậm trễ vụ cháy Công ty Rạng Đông

Theo chuyên gia hóa chất Đỗ Thanh Bái, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và an toàn hóa chất (Hội Hóa học Việt Nam), sự cố cháy Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, ngay từ đầu, phải được nhìn nhận là sự cố môi trường do phát tán hóa chất. Gần một tuần sau sự cố mới triển khai các giải pháp xử lý là chậm trễ.

chuyên gia hóa chất Đỗ Thanh Bái,

chuyên gia hóa chất Đỗ Thanh Bái,

Thưa ông, ông nhận định như nào về mức độ ô nhiễm thủy ngân sau sự cố cháy Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông?

Theo số lượng công bố của Tổng cục Môi trường, các nhà khoa học ước tính lượng thủy ngân phát thải ra môi trường khoảng 27,2 kg, phía công ty công bố là 15kg. Đây là số lượng thủy ngân phát thải không nhiều nhưng là thủy ngân ở dạng lỏng, độc hại nhất nên tôi đánh giá đây là sự cố nguy hiểm, dù mức độ chưa đến mức nghiêm trọng.

Ông đánh giá như nào về phản ứng của các bên liên quan trong sự cố này?

Mấy ngày nay, các bên liên quan như UBND thành phố Hà Nội, Tổng cục Môi trường, Bộ Tư lệnh Hóa học (Bộ Quốc phòng) đã vào cuộc tương đối ráo riết. Tuy nhiên, đây không phải là sự cố cháy đơn thuần mà là sự cố môi trường do phát thải hóa chất, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và sức khỏe người dân nên cơ quan chức năng phải vào cuộc ngay lập tức để giảm thiểu cao nhất rủi ro.

Tôi thấy văn bản khuyến cáo của UBND phường Hạ Đình là đúng và kịp thời. Sau đó 2 ngày, Bộ TN&MT đưa ra cảnh báo là rất cần thiết. Tức là UBND phường và Bộ TN&MT đã nhìn nhận đây là một sự cố môi trường do phát tán hóa chất chứ không đơn thuần là một sự cố cháy. Việc dựa trên kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm để cảnh báo là rất cần thiết và kịp thời khi chúng ta chưa có kết quả quan trắc ngay lập tức.

Tuy nhiên, đáng tiếc sau đó có nhiều phản ứng không hợp lý như quyết định thu hồi khuyến cáo của UBND phường Hạ Đình rồi những thông tin không phù hợp với bối cảnh ô nhiễm ngay sau khi xảy sự cố. Điều đó gây nhiễu loạn thông tin và làm chậm phản ứng cần thiết để giảm thiểu tác động của sự cố. Việc thông tin sự cố những ngày đầu rất vấn đề cũng dẫn đến nhiễu loạn thông tin. Từ đó dẫn đến những bất ổn xã hội nhất định tại khu vực này.

Theo ông lẽ ra Hà Nội phải ứng xử như nào với sự cố này?

Như tôi nói, ngay từ đầu, Hà Nội phải nhìn nhận đây là sự cố môi trường do phát thải hóa chất, không phải sự cố cháy đơn thuần. Nếu nhìn nhận như vậy thì ngay lập tức phải triển khai các biện pháp xử lý như mời các nhà khoa học vào cuộc, tổ chức quan trắc đánh giá chất lượng một cách khách quan, độc lập, nhanh chóng cô lập đống tro tàn và tiến hành di dời, xử lý đống tro tàn này. Một số cố hóa chất nhưng 5-6 ngày sau mới triển khai các biện pháp xử lý là chậm trễ.

Xin cảm ơn ông!

- Nguyễn Hoài

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/ha-noi-da-hanh-dong-cham-tre-vu-chay-cong-ty-rang-dong-1462768.tpo