Hà Nội: Cụ thể hóa Quy định về phát triển và quản lý chợ

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND, Ban hành Quy định về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội là một bộ phận của Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 5058/QĐ-UBND ngày 05-11-2012 và là một bộ phận của Quy hoạch thành phố Hà Nội theo quy định tại Luật Quy hoạch năm 2014.

Quy hoạch mạng lưới chợ là căn cứ để các cấp chính quyền quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn lập kế hoạch đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các chợ theo quy hoạch; kêu gọi thu hút đầu tư phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn theo quy hoạch; giải tỏa chợ không phù hợp với quy hoạch.

Chợ Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy

Việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Quy hoạch mạng lưới chợ là để phù hợp với thực tiễn tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương. Nội dung, trình tự thủ tục, thẩm định, lập, phê duyệt, điều chỉnh bổ sung, công bố và quản lý quy hoạch phát triển mạng lưới chợ thực hiện theo quy định hiện hành về công tác quy hoạch.

Căn cứ Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ của thành phố Hà Nội và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, UBND các quận, huyện, thị xã lập kế hoạch đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp chợ cho từng giai đoạn 5 năm và hàng năm đối với tất cả các hạng chợ trên địa bàn.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã tổng hợp danh mục các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp chợ trên địa bàn hàng năm, báo cáo UBND Thành phố.

Các chợ đầu tư xây dựng mới, xây dựng lại hoặc sửa chữa, cải tạo, nâng cấp phải theo đúng các quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo tuân thủ quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế và các văn bản pháp lý có liên quan. Trình tự, thủ tục đầu tư dự án, điều chỉnh dự án thực hiện theo quy định hiện hành về đầu tư và xây dựng trên địa bàn Thành phố.

Các dự án đầu tư xây dựng mới, xây dựng lại, cải tạo, nâng cấp chợ phải có ý kiến của cơ quan chuyên môn theo phân cấp quản lý về sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành.

Đối với các chợ đầu tư xây dựng lại hoặc cải tạo, nâng cấp, sửa chữa lớn có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của thương nhân đang kinh doanh tại chợ: Chủ đầu tư phải xây dựng phương án, chính sách hỗ trợ di chuyển, bố trí chợ tạm và sắp xếp kinh doanh tại chợ tạm trong thời gian đầu tư xây dựng, cải tạo chợ; phương án sắp xếp kinh doanh tại chợ sau khi xây dựng, cải tạo lại trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trước đó, chủ đầu tư phải công bố công khai cho thương nhân đang kinh doanh tại chợ biết để đóng góp ý kiến, giúp chủ đầu tư hoàn thiện các phương án.

UBND TP duyệt phương án, chính sách hỗ trợ di chuyển, bố trí chợ tạm khi đầu tư xây dựng lại, cải tạo chợ hạng 1 trên cơ sở ý kiến thẩm định do Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện duyệt phương án, chính sách hỗ trợ di chuyển, bố trí chợ tạm khi đầu tư xây dựng lại, cải tạo các chợ hạng 2, hạng 3 trên cơ sở ý kiến thẩm định của các cơ quan chuyên môn về tài chính, kinh tế trực thuộc.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 26-11-2018 và thay thế các Quyết định của UBND Thành phố: số 12/2012/QĐ-UBND ngày 30-5-2012 về việc ban hành Quy định về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội; số 26/2013/QĐ-UBND ngày 17-7-2013 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 12/2012/QĐ-UBND; số 12/2011/QĐ-UBND ngày 09-3-2011 về việc ban hành Quy định về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội.

HP

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ha-noi-cu-the-hoa-quy-dinh-ve-phat-trien-va-va-quan-ly-cho-128092.html