Hà Nội 'cứ mưa là ngập': Không thể để cảnh 'quýt' làm… ngân sách chịu!

Những thay đổi từ sức ép phát triển và việc chỉnh trang đô thị theo nhiệm kỳ đã khiến nội thành Hà Nội trở nên chật hẹp, cứ mưa đường phố lại ngập.

Hà Nội cứ mưa to là ngập. Nguồn ảnh: TTXVN

Hà Nội cứ mưa to là ngập. Nguồn ảnh: TTXVN

LTS: Hà Nội từng được ví như Paris của Đông Dương với những di sản từ thời Pháp thuộc gồm hệ thống biệt thự cổ, Nhà Hát Lớn và cả hệ thống... thoát nước. Trong cuốn tiểu thuyết “Những người khốn khổ” (Les Miserables) năm 1862, Victor Hugo từng viết “Có một Paris khác ở ngay phía dưới thành phố, một Paris của các cống ngầm.”

Vậy nhưng, sau nhiều thập kỷ, kể từ khi người Pháp rời đi, những thay đổi từ sức ép phát triển và việc chỉnh trang đô thị theo nhiệm kỳ đã khiến nội thành Hà Nội trở nên chật hẹp, cứ mưa đường phố lại ngập.

Vẫn biết nắng mưa là chuyện của trời, nhưng điệp khúc “cứ mưa là ngập” diễn ra với tần suất dồn dập và ngày càng nặng nề hơn khiến người dân Thủ đô ngán ngẩm, ngay cả những khu vực nằm ven hồ nước điều hòa, mưa xuống, đường phố cũng “thành sông” và tràn vào nhà thì lại có dấu hiệu không bình thường nếu xét về yếu tố địa hình…

Đáng nói hơn, để phục vụ mục tiêu thoát nước chống ngập, cách đây 10 năm, thành phố Hà Nội đã có quy hoạch tổng thể đến năm 2030. Từ năm 1998 đến nay, UBND thành phố Hà Nội cũng đã xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư nhiều dự án thoát nước, trong đó có ba dự án lớn với nguồn kinh phí lên tới hơn 19.000 tỷ đồng, thế nhưng kết quả lại không tương xứng.

Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng Hà Nội cần phải rà soát lại hệ thống cấp thoát nước toàn thành phố và đưa ra giải pháp xử lý kịp thời, không thể để tiếp diễn mãi cảnh “quýt làm-ngân sách chịu.” Tức là chủ đầu tư, cá nhân, doanh nghiệp làm sai còn Nhà nước thì phải chạy theo giải quyết hậu quả!

Để góp một cái nhìn toàn cảnh về câu chuyện tiêu thoát nước này, mời quý độc giả cùng phóng viên Vietnamplus dạo quanh Hà Nội để tìm hiểu những điểm nghẽn bất cập trong công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án “đô thị ngầm” ngốn hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng vẫn “thất thủ” khi trời mưa.

***

“Chỉ mặt” nguyên nhân khiến Hà Nội cứ mưa là... ngập

Sau 10 năm, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050,” hàng loạt tuyến đường, khu phố lại rơi vào tình cảnh “cứ mưa là ngập.” Thậm chí, có những điểm, thành phố đã phải huy động rất nhiều nguồn lực, phương tiện và chi ngân sách để “tát nước ra sông” nhưng vẫn không giảm được ngập úng...

Gánh nặng úng ngập

Đường Lý Thường Kiệt nằm cách hồ Gươm không xa và là một trong những tuyến phố chính và đắt đỏ bậc nhất quận Hoàn Kiếm. Thế nhưng, tỷ lệ nghịch với sự đắt đỏ ấy là điệp khúc buồn “cứ mưa to là ngập,” thậm chí có những thời điểm đường biến thành sông.

Minh chứng rõ thấy là từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn Hà Nội xảy ra ít nhất bốn trận mưa với cường độ từ 10 đến trên 100 mm thì đã có tới ba trận mưa khiến khu phố Lý Thường Kiệt, Phan Bội Châu và nhiều khu phố khác bị ngập nặng.

Tình trạng ngập úng sâu liên tiếp xảy ra tại phố Nguyễn Gia Thiều, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Vietnam+

Gần đây nhất là trận mưa xảy ra vào chiều 17.8. Theo ghi nhận của phóng viên, sau khoảng 30 phút kể từ khi trời mưa, hàng loạt tuyến phố tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng đã bị ngập quả nửa bánh xe ôtô, khiến hàng chục phương tiện giao thông chết máy. Nhiều trường hợp, người dân chở hàng cồng kềnh, con nhỏ nhưng vẫn phải xuống xe dắt bộ.

Trận mưa này xảy ra từ lúc 16 giờ 30, nhưng tới 19 giờ, những điểm ngập nặng như Lý Thường Kiệt, Phan Bội Châu… mới thoát hết nước.

Theo báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng Hà Nội, với cường độ mưa khoảng từ 50-100 mm/2 giờ, các tuyến phố chính còn tồn tại 12 điểm úng ngập.

Có 6 điểm không giảm được úng ngập, gồm: Ngã tư Phan Bội Châu-Lý Thường Kiệt; ngã năm Đường Thành-Bát Đàn-Phùng Hưng; Cao Bá Quát; Nguyễn Khuyến; Trường Chinh; Đại lộ Thăng Long. Lý do được đưa ra là bất lợi về địa hình, xa nguồn xả...

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, ngoài các điểm ngập úng đã được Sở Xây dựng Hà Nội liệt vào “danh sách đen” trên, hầu hết các trận mựa có cường độ từ 50-100mm/2giờ xuất hiện từ đầu năm 2020 đến nay còn khiến hàng loạt tuyến đường khác tại các quận nội thành “biến thành sông,” nước tràn vào nhà dân.

Tuyến phố Nguyễn Gia Thiều là ví dụ điển hình. Theo phản ánh của người dân sinh sống tại đây, từ đầu năm đến nay, khu phố này đã 3 lần bị ngập. Thậm chí, một số vị trí, nước còn tràn vào tận nhà dân dù cường độ mưa không quá lớn. Thực trạng này với người dân là điều bất thường, bởi khu phố này nằm ngay bên hồ Thiền Quang rộng lớn và có trạm bơm sẵn sàng hút nước mỗi khi mưa xống.

Tại nhiều khu phố khác như Tạ Hiện, Trần Hưng Đạo, khu vực Nhà hát lớn,… gần đây cũng thường xuyên xảy ra tình trạng úng ngập. Trên bản đồ vị trí các điểm úng ngập khi mưa của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội, số vị trí điểm ngập cũng xuất hiện với tần suất dày hơn so với trước...

Cách làm “phá” quy luật?

Theo đánh giá của giới chuyên gia về kiến trúc xây dựng, việc Hà Nội “cứ mưa là ngập” là do thực trạng phát triển “nóng” hạ tầng đô thị không có trọng tâm, không đồng bộ và “lệch” so với hệ thống khung của toàn thành phố. Đặc biệt là sự bất thường từ việc chặt hạ cây xanh cổ thụ, chỉnh trang đô thị, thay lát vỉa hè…

Đơn cử như đường Lý Thường Kiệt, Phan Bội Châu, Kim Mã, Dương Đình Nghệ, đường Láng, Nguyễn Văn Huyên,… trước đây vỉa hè được lát bởi các loại gạch thấm nước và luôn trừ khoảng trống để đất có thể “thở,” những hàng cây xanh ven đường cũng có khoảng đất để sinh tồn, bám chắc rễ nên cây cối ít bị đổ ra đường.

Thế nhưng, gần chục năm trở lại đây, do tốc độ phát triển quá “nóng” cùng với việc chỉnh trang vỉa hè, một số hàng cây xanh dọc các đoạn đường đã bị chặt hạ, sau đó bịt hết khoảng không tự nhiên bằng đá hoa cương.

Hoạt động chỉnh trang đô thị, lát đá bịt kín vỉa hè là một trong những nguyên nhân gây ngập úng ở nội thành Hà Nội. Ảnh: Hùng Võ

PGS-TS. Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam), cho rằng: “Đây có thể nói là một cách làm thiếu tầm nhìn và đi ngược với quy hoạch, bởi Hà Nội là đô thị cổ, cứ 100m2 đô thị thì có đến 90m2 là công trình, nhà ở; chỉ có khoảng 10% là đường phố, vỉa hè, cống thoát nước.”

Với diện tích công cộng nhỏ hẹp khoảng 10m2 nêu trên, theo ông Tứ, đối với vỉa hè, Hà Nội cần dùng những loại gạch hút nước để tăng cường độ thấm, cũng như giảm đi một phần lượng nước đổ ra đường, tránh ngập úng.

“Thế nhưng, đến nay vỉa hè ở Hà Nội lát bằng đá hoa cương được mài nhẵn và bịt hết mọi khoảng không của đất thì làm sao nước thấm được? Ngập là điều khó tránh khỏi,” ông Tứ trăn trở.

Nói thêm về việc “thay áo mới” cho vỉa hè, tiến sỹ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, cho rằng lát đá ở vỉa hè, đặc biệt là lát đá trên toàn khu vực phố cổ đã có từ lâu nhưng không thành công, bởi trong số hơn 1.000 tuyến phố tại Thủ đô thì mỗi tuyến phố có một đặc trưng khác nhau. Vì vậy không nên đổ đồng loạt các tuyến phố để xử lý vỉa hè.

Vì thế, các chuyên gia cho rằng chủ trương “mặc áo mới” cho vỉa hè là tốt, nhưng nếu đồng loạt xới tung trên diện rộng để lát đá tự nhiên, không đồng bộ với hạ tầng ngầm sẽ là bước đi thụt lùi.

Áp lực tiêu thoát nước

Ngoài lý do chặt hạ cây xanh, chỉnh trang đô thị, lát gạch bịt vỉa hè, một nguyên nhân khác gây cản trở việc thoát nước ở Hà Nội, được giới chuyên gia đề cập đến là việc một số hộ dân, cơ sở sản xuất tự ý xây dựng trái phép bục bệ, đường dẫn kiên cố kết nối phần vỉa hè, lòng đường để làm nơi kinh doanh cũng khá phổ biến.

Theo quy định, vỉa hè phải cao hơn mặt đường tối thiểu 10cm để đảm bảo dẫn và thoát nước, song nhiều nhà dân và các cơ sở kinh doanh đã tự ý đổ bê tông kín cả phần cống thoát nước tạo thành bục bệ, đường dẫn kết nối với vỉa hè, lòng đường.

Người dân Hà Nội khốn khổ vì “bơi” trong “biển nước đường phố”. Nguồn ảnh: TTXVN

Đơn cử, tại các tuyến phố Thái Thịnh, Chùa Bộc, Xã Đàn (quận Đống Đa), Mai Hắc Đế (Hai Bà Trưng), Tam Trinh, Kim Giang (quận Hoàng Mai),… phần lớn rãnh thoát nước trên tuyến đường đã bị các hộ kinh doanh mặt phố lấn chiếm, xây dựng bục bệ, cầu dẫn kết nối với vỉa hè để tiện cho việc đưa xe lên xuống.

Thực trạng trên không chỉ gây mất mỹ quan mà còn làm tắc dòng chảy tiêu thoát nước. Đánh giá của Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho thấy sau mỗi trận mưa việc tiêu thoát nước tại các tuyến phố nội đô nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào việc đưa nước tới miệng hố ga. Nếu hố ga hoặc rãnh nước bị tắc sẽ khiến nước mưa dềnh lên gây ngập cục bộ.

Không những thế, tại nhiều tuyến phố, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, rửa xe hàng ngày cũng đang xả một lượng nước lớn chứa dầu mỡ vào hệ thống thoát nước chung của thành phố, khiến nước khó tiêu thoát và ô nhiễm môi trường nước.

Sau mỗi trận mưa việc tiêu thoát nước tại các tuyến phố nội đô nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào việc đưa nước tới miệng hố ga.

Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, người được Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội giao trả lời câu hỏi của phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, cũng thừa nhận việc thi công xây dựng các công trình có ảnh hưởng ít nhiều tới khả năng tiêu thoát nước của thành phố.

Dẫn chứng trận mưa gây ngập cục bộ vào chiều 17.8.2020, ông Hùng cho biết tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, mực nước hồ trước khi mưa vận hành cao hơn mực nước khống chế trên 5cm, làm giảm khả năng thu nước. Thời điểm ngập, hồ bị tràn bờ. Hay như khu vực phố Nguyễn Gia Thiều, từng là “điểm đen” về ngập úng bởi đây là cái “rốn nước” của các khu vực xung quanh.

Tuy nhiên, gần 10 năm trước đã có hệ thống trạm bơm hút nước mưa, nên điểm ngập này đã bị “xóa,” tức là không phải cắt cử người trực để xử lý thoát nước như các điểm ngập khác. “Còn việc khu vực này bị ngập trong các trận mưa từ đầu năm tới nay là do mưa tập trung, hệ thống thoát nước không thoát kịp thời,” ông Hùng nhấn mạnh.

“Với lượng mưa khoảng 90mm/1 giờ đến 110mm/1,5 giờ, phố Nguyễn Gia Thiều hay các nơi khác bị ngập cũng không có gì lạ. Ví dụ vận động viên cử tạ, chỉ nâng được mức 100 cân mà đè 200 cân thì sao chịu được,” ông Hùng giải thích và nói rằng “giờ muốn xử lý thì chỉ có làm lại hệ thống thoát nước toàn thành phố”.

Còn tiếp...

Hùng Võ

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ha-noi-cu-mua-la-ngap-khong-the-de-canh-quyt-lam-ngan-sach-chiu-25661.html