Hà Nội cứ 'cũ' thế thôi, mà không bao giờ hết làm xiêu lòng người

Phố cổ Hà Nội là một thế giới mà ai cũng muốn chinh phục và khám phá, để rồi mãi vẫn thấy chưa hiểu đủ, thấy như một người lạ mà quen...

Phố nghề Hà Nội (hay phố cổ Hà Nội) là khu vực tập trung buôn bán, trao đổi hàng hóa từ ngàn năm trước.

Phố nghề Hà Nội (hay phố cổ Hà Nội) là khu vực tập trung buôn bán, trao đổi hàng hóa từ ngàn năm trước.

Phố nghề Hà Nội đã thay đổi nhiều so với trước đây. Nhưng vẫn còn đó rất nhiều tuyến phố được người dân lưu giữ các nghề truyền thống theo đúng tên gọi từ thuở sơ khai. Là phố Hàng Mã, nơi ngày xưa chủ yếu bán giấy và đồ hàng mã, đồ hàng giấy để trang trí như hoa giấy, đèn giấy các kiểu... và đồ mã để cúng lễ như mũ Thổ thần, mũ ông Táo, vàng giấy... Nay vẫn thế, dù có chút hiện đại và "đa mang" sản phẩm hơn.

Phố Hàng Đồng ngày nay vẫn còn nhiều cửa hàng kinh doanh việc kinh doanh các vật dụng làm bằng đồng hoặc giả đồng.

Chợ Đồng Xuân là điểm đến với nhiều du khách, vẫn mang dáng dấp của khu chợ xưa, dù đã được sửa khang trang, hiện đại hơn.

Phố Hàng Đào là nơi buôn bán sầm uất bậc nhất phố cổ, giờ vẫn sầm uất bậc nhất như thế...

Phố Hàng Bạc là nơi tập trung những người thợ tinh xảo trong kỹ thuật chế tác đồ vàng bạc của đất kinh kỳ xưa. Giờ đây vẫn là phố buôn bán trao đổi vàng bạc đông đúc của Thủ đô.

Ở phố Lãn Ông này, hầu hết các gia đình đều bán thuốc bắc. Khu phố đi qua cứ thơm nồng, khiến người ta phải hít hà...

Tại phố Lò Rèn, du khách vẫn có thể bắt gặp những người thợ cặm cụi chế tác vật dụng cho cuộc sống thường ngày. Thỉnh thoảng, lửa vẫn bừng lên những tia sáng gợi nhớ nghề xưa.

Phố Hàng Đường là nơi chuyên bán các loại bánh kẹo, đường mứt từ lâu và nay vẫn tiếp tục với các mặt truyền thống.

Phố Hàng Chiếu ngày nay vẫn bán đủ các loại chiếu khác nhau được nhập về từ các làng nghề.

Chẳng vậy mà “phố cổ” luôn là điểm đến thu hút du khách khi họ đặt chân đến Hà Nội.

Lê Phú/ Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/anh/luu-giu-net-truyen-thong-tai-pho-co-ha-noi-20181010013222211.htm