Hà Nội: Công tác bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến tích cực

Nhằm bảo vệ môi trường, TP Hà Nội đã đưa vào vận hành các nhà máy, trạm xử lý nước thải tập trung, cùng với đó tỷ lệ xử thu gom chất thải sinh hoạt đạt kết quả cao.

Theo GĐ Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, từ năm 2015 đến nay, Sở đã tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND TP ban hành 25 chương trình, Nghị quyết, kế hoạch, đề án… về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, trước nhu cầu cấp bách của công tác bảo vệ môi trường, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 11 về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Trên cơ sở đó, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 160/KH-UBND nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Nghị quyết.

Do đó, sau gần 3 năm thực hiện, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP có một số chuyển biến tích cực. Tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt ở ngoại thành đạt 89%, nội thành đạt 100%; chất thải y tế thu gom, xử lý đạt 100%. TP Hà Nội cũng đã tập trung xử lý ô nhiễm tại 90 hồ khu vực nội thành và 44 hồ tại khu vực ngoại thành; xây dựng Kế hoạch tổng thể triển khai Đề án sông Nhuệ - sông Đáy trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, trong đó đã hoàn thành công tác điều tra, đánh giá hiện trạng các nguồn thải lỏng đổ vào lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

Tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt ở ngoại thành Hà Nội đạt 89%, nội thành đạt 100%; chất thải y tế thu gom, xử lý đạt 100%. Ảnh: Khánh Phong

Tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt ở ngoại thành Hà Nội đạt 89%, nội thành đạt 100%; chất thải y tế thu gom, xử lý đạt 100%. Ảnh: Khánh Phong

Đặc biệt, TP đã xây dựng 8 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, với tổng công suất 296.700 m3/ngày đêm, xử lý khoảng 30% tổng lưu lượng nước thải phát sinh của TP. Ngoài ra, có 9/9 khu công nghiệp và 26/43 cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP đã xây dựng và vận hành trạm xử lý nước thải tập trung; 100% các BV tư nhân và 26/28 (đạt tỷ lệ 92,8%) BV do TP quản lý có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Từ tháng 12-2016, Hà Nội đã đưa vào vận hành 11 trạm quan trắc không khí tự động và chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí của TP, trên cơ sở đó, triển khai 19 giải pháp tổng thể như Đề án hạn chế phương tiện cá nhân; trồng 1 triệu cây xanh; hạn chế tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong; không đốt rơm rạ tại các huyện ngoại thành…

Mới đây, Thành ủy Hà Nội đã có buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và môi trường và một số Bộ, ngành liên quan.

Tại cuộc buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh, trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường, Hà Nội là một trong những địa phương có sự chuyển biến mạnh mẽ thông qua các kết quả cụ thể và đánh giá của người dân, DN, thông qua khảo sát của các tổ chức quốc tế. Đã quy hoạch quỹ đất để thu hút đầu tư hình thành hệ thống hạ tầng kết nối với các tỉnh vùng Thủ đô, phát triển các dự án động lực; quan tâm thực hiện công tác bảo vệ môi trường, giải quyết vấn đề rác thải; ô nhiễm không khí...

Về nhiệm vụ trọng tâm về bảo vệ môi trường của Hà Nội thời gian tới, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Ban cán sự đảng UBND TP sẽ tập trung chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt tập trung, các dự án áp dụng công nghệ đốt rác phát điện trọng điểm, các trạm xử lý nước thải; triển khai từng bước chương trình thu gom xử lý nước thải sinh hoạt ra sông Đáy, nạo vét sông Nhuệ; phối hợp với các tỉnh xây dựng Đề án bảo vệ môi trường hệ thống sông Bắc Hưng Hải, trong đó có sông Cầu Bây; hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường nước gắn với tăng cường quản lý các nguồn xả thải...

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Ban cán sự đảng UBND TP chỉ đạo để bảo đảm 100% khu, cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung; xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung tại các BV còn thiếu; yêu cầu toàn bộ các khu, cụm công nghiệp mới phải có khu xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động. Đặc biệt, lưu ý việc kiểm soát chất lượng nước sinh hoạt, bảo đảm an ninh nguồn nước và sức khỏe nhân dân; đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống ô nhiễm không khí.

Minh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ha-noi-cong-tac-bao-ve-moi-truong-co-nhieu-chuyen-bien-tich-cuc-195528.html