Hà Nội công nhận thêm 2 làng nghề du lịch ở huyện Phú Xuyên

Hà Nội vừa công nhận hai điểm du lịch làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ và nghề may Vân Từ.

UBND thành phố Hà Nội vừa ký nhiều quyết định công nhận các điểm du lịch, các làng nghề du lịch. Theo đó quyết định số 5927 và 5928 QĐ – UBND công nhận điểm du lịch Làng nghề khảm trai – sơn mài Chuyên Mỹ và công nhận điểm du lịch làng nghề may Vân Từ, huyện Phú Xuyên.
UBND thành phố Hà Nội giao trách nhiệm cho những xã trên thực hiện việc quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định của Luật Di sản và các văn bản pháp luật liên quan.

Phú Xuyên là huyện có rất nhiều làng nghề hình thành từ lâu đời, nổi tiếng bởi các bậc nghệ nhân tài hoa. Tuy nhiên, thời gian qua các làng nghề vẫn chưa phát huy tương xứng với tiềm năng trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, các làng nghề truyền thống này chưa được công nhận là điểm du lịch chính thức, nên khó khăn trong áp dụng các cơ chế chính sách cho phát triển tại đây, nhất là khách du lịch còn ít biết tới để tham quan và mua sắm sản phẩm.
Xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên từ lâu đã nổi tiếng với nghề khảm trai truyền thống. Xã có 7 làng thì tất cả đều được công nhận làng nghề khảm trai, sơn mài, chế biến nguyên liệu khảm trai... Nghề khảm trai truyền thống đã và đang tạo nên những bước đột phá, đem lại lợi ích kinh tế cao cho người dân nơi đây.
Còn xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội được biết đến là làng nghề duy nhất trên cả nước có nghề may comple, veston nức tiếng gần xa cả trăm năm nay.

Những năm gần đây nghề may phát triển đã giúp cho bà con ở xã Vân Từ có thu nhập từ 500 triệu đồng đến 700 triệu đồng/năm, thậm chí có nhiều gia đình thu nhập lên tới hàng tỷ đồng. Để có được thành công từ nghề may này theo bà con xã Vân Từ đó là nhờ chất lượng, giá cả là những yếu tố quan trọng giúp làng nghề ngày càng phát triển.
Việc thành phố đẩy nhanh công nhận điểm du lịch Làng nghề Khảm trai – Sơn mài Chuyên Mỹ và điểm du lịch làng nghề may Vân Từ, huyện Phú Xuyên không những giúp phát triển làng nghề mà còn tạo ra nhiều điểm du lịch nổi tiếng thu hút du khách.

Hiện nay, số lượng làng nghề của Hà Nội chiếm gần 1/3 của cả nước, với 1.350 làng nghề và làng có nghề; trong đó 305 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã. Thành phố cũng có 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước.
Theo UBND thành phố, tổng doanh thu trung bình một năm của 305 làng nghề truyền thống và các làng có nghề đạt trên 20.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề ở mức 4-5 triệu đồng/lao động/tháng. Mặc dù số lượng làng nghề rất lớn, nhưng số làng nghề được công nhận là điểm du lịch lại rất ít.

Trong quy hoạch phát triển nghề, làng nghề của thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã chỉ ra danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, trong đó có 17 dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch.

Đã qua 6 năm, nhưng đến nay mới có 2/17 làng nghề truyền thống áp dụng mô hình phát triển làng nghề truyền thống, di tích văn hóa gắn với du lịch nổi tiếng và thành công, gồm làng nghề gốm Bát Tràng và lụa Vạn Phúc, còn lại 15 làng nghề truyền thống chưa thực hiện...
Hà Nội đang xác định có 7 làng nghề truyền thống tiêu biểu cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; 10 làng nghề thuộc danh mục làng nghề kết hợp du lịch cần bảo tồn và phát triển lâu dài; 17 làng nghề truyền thống cần bảo tồn lâu dài.

Thành phố xác định tới đây, làng nghề có thị trường tiêu thụ tốt là làng nghề gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương; qua đây còn bảo tồn làng nghề, phát triển giá trị văn hóa thông qua các nghề truyền thống.../.

Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/ha-noi-cong-nhan-them-2-lang-nghe-du-lich-o-huyen-phu-xuyen/138481.html