Hà Nội: Cơ sở khám, chữa bệnh 'mọc' vô tội vạ?

Trong vòng 10 năm qua, trong khi Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội nỗ lực thực hiện chủ trương di dời 13 bệnh viện lớn đang trong tình trạng quá tải ra khỏi nội thành với nhiều nghìn tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước thì ở khía cạnh khác, chủ trương xã hội hóa đầu tư cho y tế cơ sở, nhiều cơ sở khám chữa bệnh, nhiều dự án xây dựng bệnh viện vẫn đang và tiếp tục mọc lên trong đó có những dự án nằm ngay trong lòng đô thị mới.

Theo đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, TP Hà Nội sẽ phải di dời hàng loạt các bệnh viện, trường đại học, cao đẳng ra ngoại thành để giảm tải áp lực về hạ tầng, giao thông cho khu vực trung tâm. Trong đó, Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội đã đề xuất di dời 13 bệnh viện lớn đang rơi vào tình trạng quá tải, gây sức ép lớn cho hạ tầng khi tập trung hoạt động trên cùng một địa bàn và có nguy cơ lây nhiễm cao khi nằm trong khu vực đông dân cư. Danh sách những bệnh viện được đề xuất di dời bao gồm bệnh viện Bạch Mai, Phụ sản Trung ương, Nhi Trung ương, Việt Đức, K, Tai Mũi Họng, Phổi Trung ương, Châm cứu Trung ương, Y học Cổ truyền Trung ương, Nội tiết, Mắt Trung ương, Đại học Y Hà Nội và Hữu nghị.

Tuy nhiên, quá trình di dời các bệnh viện lớn ra ngoại thành vẫn còn đang gặp khó khăn và chưa thể hoàn thành vì nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu là nguồn đất và nguồn tiền để xây dựng bệnh viện mới.

Quá trình di dời các bệnh viện lớn gặp bế tắc khiến tình trạng quá tải ở các bệnh viện trung tâm chưa được giải quyết, nếu không muốn nói là áp lực ngày càng nặng nề hơn. Trong hoàn cảnh này, các bệnh viện lớn buộc phải “chia bớt” bệnh nhân cho các phòng khám tư nhân đang mọc lên như nấm sau mưa ở Hà Nội.

Nguy cơ lây nhiễm bệnh từ các cơ sở y tế nằm giữa khu dân cư

Việc các phòng khám tư nhân giảm tải cho các bệnh viện lớn là một chuyện đáng mừng. Nhưng hoạt động của các cơ sở y tế này cũng khiến nhiều người phải lo ngại khi cả nước ghi nhận hàng loạt sai phạm ở các phòng khám tư nhân dẫn đến tình trạng tiền mất, tật mang và thậm chí là thiệt mạng.

Đi dọc tuyến đường Giải Phóng (Q.Hai Bà Trưng), không khó để nhận ra hàng loạt phòng khám tư nhân mọc lên để chào đón các bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai, nhưng gặp khó khăn trong quá trình khám chữa bệnh vì sự quá tải của cơ sở y tế lớn nhất miền Bắc tiếp nhận từ 7.000 - 8.000 lượt khám mỗi ngày.

Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra ở các bệnh viện lớn khác như bệnh viện Việt Đức, Tai Mũi Họng, Phổi Trung ương, Nội tiết, Mắt Trung ương... Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu các phòng khám tư nhân có đảm bảo thực hiện đầy đủ các yêu cầu vệ sinh, khử trùng để ngăn chặn lây nhiễm bệnh tật khi phần lớn các phòng khám đều tọa lạc ở các khu vực đông dân cư?

Ngoài nguy cơ lây nhiễm từ các phòng khám tư nhân mọc lên xung quanh các bệnh viện lớn, nhiều cơ sở y tế cũng đang được xây dựng ngay trong lòng các khu đô thị tập trung dân cư đông đúc.

Tại P.Dịch Vọng (Q.Cầu Giấy), ngay sát khu đô thị mới Làng quốc tế Thăng Long là dự án Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ Hà Nội tổng vốn lên tới 50 triệu USD. Tuy nhiên sau gần 20 năm kể từ khi thành công đến nay công trình vẫn chưa đưa vào sử dụng được trong đó có nguyên nhân dự án chưa được sự đồng thuận về GPMB của một số hộ dân trong khu chung cư cũ sát bên.

Từ năm 2017, nhiều người dân đang sinh sống tại Khu ngoại giao đoàn (P.Xuân Tảo, Q.Bắc Từ Liêm) đã bức xúc việc Bệnh viện Ung bướu Việt Nam - Nhật Bản được xây dựng không đúng quy hoạch, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh, ảnh hưởng đến nguồn nước và lây nhiễm bệnh tật cho người dân sống quanh bệnh viện. Dù vấp phải sự phản đối dữ dội của người dân, nhưng chủ đầu tư và đơn vị thi công vẫn tiến hành xây dựng công trình, hoàn thành phần thô của công trình theo đúng quy hoạch 2 tầng hầm, 12 tầng nổi.

Theo quy hoạch ban đầu, lô đất ĐMKT1 ở khu đô thị Ngoại giao đoàn được quy hoạch là đất đầu mối kỹ thuật (trạm biến thế). Nhưng đến tháng 7/2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2905/QĐ-QHKT về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết Khu Đoàn Ngoại giao, chuyển đổi quy hoạch lô đất ĐMKT1 sang xây dựng bệnh viện ung bướu có tổng diện tích 4.801m2.

Nhưng theo phản ánh của người dân, chủ đầu tư đã tổ chức động thổ công trình vào tháng 3/2017 khi điều chỉnh quy hoạch còn chưa được phê duyệt. Theo quy hoạch được chủ đầu tư giới thiệu trước cổng bệnh viện đang thi công, công trình được khởi công vào ngày 17/12/2017 và dự kiến hoàn thành vào quý I/2019.

Nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà công trình mới hoàn thành phần thô và không có hoạt động nào trong thời gian gần đây. “Bệnh viện đã xây lên cao như thế này thì ai phản đối nổi nữa. Gần đây, họ vẫn mở cửa công trường, có người ra vào nhưng không thấy làm gì nữa cả”, một người dân sống gần công trình bệnh viện ung bướu chia sẻ.

“Mèo vẫn hoàn mèo”

Năm 2015, người dân sống tại khu vực đường Nguyễn Viết Xuân (P.Quang Trung, Q.Hà Đông) có đề nghị di dời Trung tâm Phòng chống lao & bệnh phổi Hà Đông vì bệnh lao là bệnh dễ truyền nhiễm, nhưng Trung tâm nằm giữa khu dân cư và nhiều người bệnh đến khám có ý thức kém, khạc nhổ bừa bãi ra lòng đường, vỉa hè. Không lâu sau, Trung tâm Phòng chống lao & bệnh phổi Hà Đông đã được di dời theo nguyện vọng của người dân. Nhưng điều kỳ lạ là Trung tâm lại được di dời vào trong khu vực nội thành Hà Nội vốn có mật độ dân số còn cao hơn khu vực Q.Hà Đông.

Tương tự, Bệnh viện Da liễu Hà Nội cơ sở 2 nằm sát Trung tâm Phòng chống lao & bệnh phổi Hà Đông cũng được di dời sang đường Bế Văn Đàn cách địa điểm cũ chưa đầy... 100m và dĩ nhiên vẫn nằm giữa khu dân cư đông đúc.

Sau khi Trung tâm Phòng chống lao & bệnh phổi và Bệnh viện Da liễu được di dời, Bệnh viện Mắt Hà Đông đã được mở rộng trên nền diện tích cũ của 2 cơ sở đã di dời. Sau đó, một số phòng khám da liễu và chuyên khoa mắt cũng mọc lên cách Bệnh viện Mắt Hà Đông và Bệnh viện Da liễu Hà Nội trong bán kính khoảng 100m.

Tình hình ở khu vực phòng khám lao và bệnh phổi thuộc trung tâm y tế Q.Ba Đình thậm chí còn đáng lo ngại hơn nữa. Khu vực tập kết rác thải y tế của phòng khám ở ngay bên ngoài bệnh viện và rất gần khu dân cư đông đúc. Không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh bởi mùi hôi thối, nước rác thải còn chảy ra lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh trong khu dân cư đông đúc, đặc biệt là những cửa hàng ăn uống nằm đối diện phòng khám.

Đáng chú ý, dù nguy cơ lây nhiễm bệnh từ phòng khám rất cao, nhưng người dân trong khu vực vẫn tỏ ra hết sức bình thản. Ngay cả nhân viên dọn vệ sinh tại khu vực này cũng chỉ có trang bị khẩu trang y tế và găng tay sơ sài, dù số lượng rác thải y tế của phòng khám nhiều đến mức xe rác phải chở 3 - 4 lần/ngày.

Vậy Bộ Y tế đã có những biện pháp nào để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh truyền nhiễm từ các phòng khám tư nhân nằm giữa các khu dân cư đông đúc? Báo Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này trong các số báo tiếp theo...

Hữu Mạnh

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/ha-noi-co-so-kham-chua-benh-moc-vo-toi-va.html