Hà Nội có gần 1.400 tổ chức hành nghề luật sư

Công tác quản lý Nhà nước về bổ trợ tư pháp là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của Sở Tư pháp Hà Nội. 9 tháng đầu năm, các mặt hoạt động trong công tác này đã để lại những kết quả rất đáng khích lệ.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, hoạt động quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp trên địa bàn TP tiếp tục được tăng cường. Các hoạt động giao ban, trao đổi thông tin giữa Sở Tư pháp với Đoàn Luật sư, Hội Luật gia, Hội Công chứng viên luôn được TP quan tâm chỉ đạo.

Các hội nghề nghiệp đã có những đóng góp nhất định trong công tác xây dựng VBQPPL, góp phần giải quyết những vướng mắc về đất đai, xây dựng; tích cực tham gia trợ giúp pháp lý, phổ biến, giáo dục pháp luật. Hoạt động thanh, kiểm tra, giải quyết khiếu nại trong các hoạt động luật sư, công chứng, thừa phát lại được đảm bảo, giúp chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.

Các luật sư Đoàn LSTP Hà Nội trợ giúp pháp luật cho phụ nữ. Ảnh: M.C

Các luật sư Đoàn LSTP Hà Nội trợ giúp pháp luật cho phụ nữ. Ảnh: M.C

Để triển khai văn bản pháp luật của T.Ư và hoàn thiện các văn bản chỉ đạo trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp Hà Nội đã xây dựng dự thảo Kế hoạch của Thành ủy về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động luật sư. Sở tham mưu UBND TP ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Thông tư số 07 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn TP Hà Nội; Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 08 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại; Quyết định số 2147 ban hành quy chế phối hợp quản lý Nhà nước về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn TP; Triển khai thẩm định điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến và Quyết định phê duyệt tổ chức đấu giá tài sản đủ điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến đối với 2 đơn vị: Cty đấu giá hợp danh Lạc Việt và Cty đấu giá hợp danh số 5- Quốc gia (Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai hình thức đấu giá trực tuyến).

Hiện, tổng số tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn TP là 1.388 tổ chức với 4.067 luật sư hành nghề. Trong 9 tháng đầu năm, Đoàn luật sư đã tham gia đóng góp ý kiến về một số dự thảo luật như: Dự thảo Luật DN (sửa đổi), dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, dự thảo Quyết định phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa TP Hà Nội, dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); tổ chức tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho cộng đồng....

Tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư; đẩy mạnh việc đánh giá và xem xét kỷ luật đối với luật sư vi phạm đạo đức nghề nghiệp; chất lượng hoạt động được nâng lên đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và nhu cầu sử dụng pháp lý ngày càng cao của cá nhân, cơ quan, tổ chức trên địa bàn TP.

Để thực hiện việc chuyển đổi Phòng Công chứng thành Văn phòng Công chứng và thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn TP, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND TP thành lập Tổ công tác, bộ phận giúp việc thực hiện các nhiệm vụ trên.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thế chế trong hoạt động bổ trợ tư pháp: xây dựng dự thảo Quyết định quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất; thảo Quy chế cập nhật, khai thác và sử dụng CSDL công chứng; dự thảo Quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước đối với việc quản lý tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp và dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 44 của UBND TP ban hành quy định về tiêu chí, phương pháp tính điểm và quy trình xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Công chứng trên địa bàn TP.

Theo ghi nhận, đến 20-9-2020, các hoạt động giải quyết TTHC lĩnh vực công chứng, luật sư, đấu giá, thừa phát lại, tư vấn pháp luật trên địa bàn TP được thực hiện tốt, theo đúng quy định của pháp luật.

Linh Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ha-noi-co-gan-1400-to-chuc-hanh-nghe-luat-su-214510.html