Hà Nội có được phép 'cấm' công dân ghi âm, ghi hình tại nơi tiếp dân?

Có được phép ghi âm ghi hình CSGT khi đang làm nhiệm vụ là câu hỏi dư luận từng tranh cãi. Mới đây, Hà Nội tiếp tục gây xôn xao khi đưa ra quy định "không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân".

Mới đây, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký quyết định số 12/QĐ-UBND ban hành Nội quy về việc tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân. Bản nội quy này nêu ra những quy định chung về tiếp dân như địa điểm, thời gian, lịch tiếp dân định kỳ. Tuy nhiên, bản nội quy này gây tranh cãi vì có quy định "không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân". Quy định này đặt ra dấu hỏi về việc Hà Nội đang vượt quá thẩm quyền.

Nội quy này cũng đưa ra 10 điều yêu cầu các công dân thực hiện khi đến trụ sở tiếp dân cụ thể như: Phải xuất trình giấy tờ tùy thân; có thái độ đúng mực, tôn trọng, tuân thủ sự hướng dẫn của cán bộ tiếp công dân và nhân viên bảo vệ; công dân được tiếp theo thứ tự, phải trình bày trung thực sự việc, nói rõ yêu cầu, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; không được lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để xuyên tạc, vu khống, kích động gây mất trật tự trong trụ sở tiếp công dân hoặc có hành động xâm hại, xúc phạm, cản trở cán bộ tiếp công dân làm nhiệm vụ và các hoạt động của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân,...

Trụ sở tiếp dân của UBND TP Hà Nội.

Đại diện lãnh đạo ban Tiếp công dân thành phố Hà Nội (đề nghị giấu tên) cho biết với báo giới, nội quy này được Thành phố ban hành dựa trên quy định tại Điều 12 của luật Tiếp công dân, cho phép Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành nội quy tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Đại diện ban Tiếp công dân của Thành phố cũng lý giải, nhiều trường hợp công dân đến trụ sở tiếp công dân giơ máy điện thoại gí sát vào mặt cán bộ tiếp công dân, thậm chí vừa trình bày với cán bộ tiếp công dân vừa phát trực tiếp trên mạng xã hội. Hơn nữa, những người này đến với mục đích không thiện chí, không phải đòi hỏi quyền lợi, trình bày, khiếu nại, tố cáo, phản ánh...

“Bạn cứ hình dung nếu bạn là một cán bộ tiếp công dân mà công dân cứ cầm điện thoại gí vào mặt thì có tiếp được không. Hơn nữa việc ghi hình, ghi âm đó lại không phục vụ cho buổi tiếp công dân, thậm chí còn gây phản cảm, bức xúc, tăng sự căng thẳng của chính công dân và người tiếp công dân”, vị này chia sẻ.

Đại diện lãnh đạo ban Tiếp công dân thành phố Hà Nội cũng cho biết, bản thân ông cũng từng là “nạn nhân” của việc vừa tiếp công dân vừa bị phát trực tiếp trên mạng xã hội. Tuy nhiên, thường trong 100 người thì chỉ có một vài người như vậy. Vị này đánh giá, những người như thế thường đến buổi tiếp công dân không thiện chí.

“Mình tiếp công dân, nghe công dân trình bày, ghi chép đầy đủ, thật kỹ các ý công dân. Trong trường hợp cần thiết còn hướng dẫn công dân thực hiện quyền của mình. Người tiếp công dân chỉ là người lắng nghe thôi chứ không phải là người giải quyết sự việc”, vị này giải thích thêm.

Đại diện ban Tiếp công dân của thành phố cũng chia sẻ, cán bộ tiếp công dân cũng có quyền cơ bản. Ví dụ một người muốn ghi hình một người khác thì phải xin phép, kể cả ở ngoài đường hay ở đâu. “Anh ghi hình tôi thì phải xin ý kiến tôi. Đang ở cơ quan Nhà nước, anh muốn ghi hình thì phải xin ý kiến chứ”, vị cán bộ nói.

Nêu quan điểm về vấn đề này với báo chí, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho rằng, đọc quy định trên thấy không phải khi cán bộ tiếp công dân sẽ cấm hoàn toàn việc người dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm. Quy định này dành quyền chủ động cho công chức quyết định, nghĩa là nếu cán bộ tiếp công dân đó đồng ý thì người dân cứ quay phim, ghi âm bình thường cuộc làm việc.

Vẫn theo đại biểu Nhưỡng, quy định nêu trên cũng là cần thiết để tránh tình trạng có người quay phim xong đưa lên mạng với mục đích không lành mạnh làm ảnh hưởng đến công việc của Nhà nước. Vấn đề thứ hai, trụ sở tiếp công dân là cơ quan công quyền, tại đó phải có nội quy khi công dân đến làm việc phải tôn trọng nội quy. “Khi quay phim, chụp ảnh đối với không ít cán bộ tiếp công dân họ cảm thấy bị phân tâm, làm việc khó. Nhưng cũng có người cảm thấy bình thường. Với quy định nêu trên thì việc công dân được quay phim, chụp ảnh, ghi âm hay không phụ thuộc vào quyết định của cán bộ tiếp công dân tại đó”, Phó ban Dân nguyện nói.

Ông Nguyễn Minh Đức, ban Pháp chế, Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) cho rằng quy định cấm quay phim, chụp ảnh khi tiếp công dân là trái với quy định của luật Tiếp cận thông tin. Theo ông Đức, khoản 4, điều 3 luật Tiếp cận thông tin quy định: “Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Như vậy, chỉ có Quốc hội mới có quyền hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân.

Minh Anh - Bảo Ngọc

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 5

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/ha-noi-co-duoc-phep-cam-cong-dan-ghi-am-ghi-hinh-tai-noi-tiep-dan-a258865.html