Hà Nội có 297/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Chiều 16-10, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (Chương trình 02) đã tổ chức hội nghị giao ban quý III nhằm bàn nhiệm vụ, giải pháp cho 3 tháng cuối năm 2018 và một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019.

Hà Nội: Giao ban trực tuyến công tác bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý trật tự xây dựng

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 Ngô Thị Thanh Hằng và Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Phó trưởng ban chỉ đạo Chương trình 02 Nguyễn Văn Sửu chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo, ước thực hiện năm 2018, tổng diện tích gieo trồng của Hà Nội là 259.647ha, giảm 4,25% so với năm 2017. Trên địa bàn thành phố, tình hình dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm nhìn chung ổn định, không xảy ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Đến hết tháng 8, Hà Nội có đàn trâu 25 nghìn con, tăng 2,9% so với cùng kỳ; đàn bò 131 nghìn con, giảm 1,5%; đàn lợn 1,6 triệu con; đàn gia cầm 30 triệu con, tăng 4,2% so với cùng kỳ…

Đến nay, Hà Nội có 4 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Theo kế hoạch năm 2018, có thêm 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới là: Gia Lâm, Thạch Thất, Quốc Oai, Phúc Thọ. Đối với xây dựng xã nông thôn mới, toàn thành phố có 297/386 xã (chiếm 76,94%) đạt chuẩn (trong đó có 3 xã đã trình Chủ tịch UBND thành phố xem xét, công nhận). Đến tháng 6-2018, thu nhập bình quân khu vực nông thôn ước đạt 43,16 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%.

Về kết quả thực hiện các tiêu chí cụ thể: Đối với giao thông, thành phố có 369 xã đạt và cơ bản đạt (tăng 13 xã so với cuối năm 2017); thu nhập có 352 xã đạt và cơ bản đạt (tăng 9 xã so với cuối năm 2017); hộ nghèo có 365 xã đạt và cơ bản đạt (tăng 8 xã so với cuối năm 2017); môi trường và an toàn thực phẩm có 371 xã đạt và cơ bản đạt (tăng 5 xã so với cuối năm 2017); thủy lợi duy trì 377 xã đạt và cơ bản đạt; điện duy trì 386 xã đạt và cơ bản đạt; trường học duy trì 318 xã đạt và cơ bản đạt...

Cũng theo Ban Chỉ đạo Chương trình 02, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình 02 từ đầu năm 2016 đến nay là hơn 26.804 tỷ đồng, tăng hơn 9.693 tỷ đồng so với năm 2017. Toàn thành phố có 126 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tăng 20 mô hình và 118 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tăng 47 mô hình liên kết so với cuối năm 2017.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến tham luận của lãnh đạo các huyện, thị xã đã chỉ ra những khó khăn liên quan đến thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là các tiêu chí liên quan đến xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Hiện nhiều địa phương có tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp như tại huyện Mê Linh có 6/6 trường phổ thông trung học chưa đạt chuẩn; huyện Gia Lâm còn khó khăn trong thực hiện tiêu chí về môi trường; huyện Phú Xuyên cần thành phố hỗ trợ nguồn lực để thực hiện các công trình xây dựng hạ tầng.

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cho rằng, Chương trình 02 là một chương trình lớn của Thành ủy. Nếu các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt thì đến hết năm 2018, Hà Nội sẽ có 324 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Năm 2018, sản xuất nông nghiệp của thành phố cơ bản hoàn thành tốt. Hà Nội đã và đang thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản. Mới đây, lần đầu tiên nhãn chín muộn của Hà Nội đã đáp ứng được các tiêu chí để xuất khẩu sang thị trường Mỹ là một thành công lớn.

Đồng chí Nguyễn Văn Sửu đề nghị các sở, ngành cần phối hợp với các huyện, thị xã; đề nghị các quận tiếp tục chung tay hỗ trợ các huyện, thị xã để đạt mục tiêu nông thôn mới. Đồng chí Nguyễn Văn Sửu cũng nghiêm túc phê bình 2 sở: Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải đã chậm trễ trong thực hiện chỉ đạo của thành phố về khắc phục sự cố sụt lún tại xã Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức); phê bình một số lãnh đạo sở không tham dự họp giao ban quý III.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận hội nghị.

Kết luận hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, hội nghị giao ban quý là quan trọng và rất cần thiết nhằm đánh giá lại kết quả đạt được và tháo gỡ khó khăn, đề ra nhiệm vụ thực hiện Chương trình trong thời gian tới. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng trong thời gian qua, thành phố đã duy trì hoạt động thường xuyên kiểm tra tiến độ, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở; ban hành nhiều văn bản quan trọng chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình. Các huyện, thị xã cũng đã bám sát chỉ đạo của Thành phố, chủ động trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đạt được những kết quả đáng kích lệ. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế trong thực hiện Chương trình 02 như: Trong nông nghiệp, công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn khiêm tốn; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất cập... Nguồn lực đầu tư cho công tác xây dựng nông thôn mới chủ yếu vẫn là nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước; tiến độ điều chỉnh quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới của một số địa phương còn chậm; hạ tầng kinh tế - kỹ thuật ở một số huyện vùng xa trung tâm còn khó khăn; môi trường một số nơi chưa được quan tâm đúng mức... Về những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các địa phương cần tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng tăng năng suất, chất lượng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Cụ thể như: Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao; hình thành các chuỗi liên kết, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản... Về xây dựng nông thôn mới, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cho xây dựng nông thôn mới; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch duy trì, nâng chất lượng các tiêu chí nông thôn mới ở các huyện và các xã đã đạt. 4 huyện phấn đấu hoàn thành nông thôn mới năm 2018 cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Ban Chỉ đạo Trung ương thẩm định, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Hà Nội phấn đấu năm 2019, có từ 30 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã Sơn Tây hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, có thêm 2 đến 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới... Đồng thời, các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch đăng ký với thành phố xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018-2020 và tổ chức thực hiện; tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành công tác xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở... Về nâng cao đời sống nông dân, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu cần tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình quốc gia về y tế, công tác truyền thông chăm sóc sức khỏe, công tác phòng chống dịch bệnh; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến để tăng nhanh năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân; tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa mới...

Hà Nội có 297/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/915925/ha-noi-co-297386-xa-dat-chuan-nong-thon-moi