Hà Nội chuyển phong lá đỏ yếu ớt tránh chết nóng

Việc chuyển cây vào thời tiết nắng nóng để tránh cây tiếp tục bị chết thêm, thời điểm thích hợp sẽ đổi sang bàng lá nhỏ.

Ngày 19/6, ông Nguyễn Xuân Hanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội thông tin với báo chí về việc di chuyển số cây phong lá đỏ trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng trong đêm.

Hàng phong lá đỏ được trồng trên tuyến đường Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Người Đưa Tin

Hàng phong lá đỏ được trồng trên tuyến đường Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Người Đưa Tin

Theo đó, đêm 18/6, công ty phối hợp với đơn vị tài trợ hàng cây phong di chuyển khoảng 30-40 cây về vườn ươm. Việc di chuyển này sẽ được thực hiện dần dần.

“Trước mắt, chúng tôi sẽ chuyển số cây phong lá đỏ về vườn ươm ở Yên Sở, quận Hoàng Mai chăm sóc. Chúng tôi sẽ xin ý kiến nhà tài trợ hơn 200 cây phong xem trồng ở đâu phù hợp hơn, sau đó đến thời gian thích hợp sẽ trồng thay thế cây bàng lá nhỏ tại tuyến đường này” - ông Hanh nói.

Đánh chuyển để phong lá đỏ không tiếp tục cháy nắng. Ảnh: Dân Trí

Trước thắc mắc vì sao hàng cây phong lá đỏ đang xanh tốt lại bị di chuyển trong tình hình thời tiết nắng nóng, ông Hanh cho biết: "Mặc dù cây đang xanh tốt nhưng vì nắng nóng nên phải di chuyển. Nếu hàng cây phong để trong nắng nóng, nhiệt độ quá cao sẽ hỏng, rất lãng phí".

Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội gửi văn bản đến UBND thành phố cho biết, cây phong trồng thử nghiệm trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng sinh trưởng, phát triển kém.

262 cây phong do Công ty cổ phần Đầu tư Tân Đại Đường tặng thành phố được trồng thử nghiệm từ năm 2018. Trong đó, tuyến Nguyễn Chí Thanh trồng 119 cây, tuyến Trần Duy Hưng trồng 143 cây.

Trong hơn 2 năm, có thể thấy cây chưa thích nghi với điều kiện khí hậu của Hà Nội. Có 45 cây đã chết, làm ảnh hưởng đến cảnh quan của tuyến phố; 217 cây còn lại sinh trưởng, phát triển kém.

Sau một thời gian, lá bị héo; cành, nhánh bị khô và hay có sâu bệnh. Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội đã nhiều lần phun thuốc phòng trừ sâu bệnh.

Theo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn, tuyến đường trên sẽ được trồng thay thế bằng toàn bộ cây bàng lá nhỏ, có đường kính thân cây 10- <15cm, chiều cao vút ngọn 6-8m.

Phong lá đỏ từng được kỳ vọng biến Hà Nội thành trời Âu.

Trước đó, chia sẻ với báo chí, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Công viên xây xanh Việt Nam cho biết phong lá đỏ là một loại cây ôn đới, quen sống trong khí hậu lạnh, không thể thích nghi với môi trường đô thị nhiệt đới nắng nóng, mưa nhiều.

"Trước khi trồng cây phong lá đỏ, đơn vị trồng đã không nghiên cứu kỹ thổ nhưỡng, khí hậu tại Hà Nội nên cây chết là tất yếu" - ông Chính nói.

Theo ông Chính, khi người Pháp trồng cây xanh tại Hà Nội, họ đã nghiên cứu rất cụ thể khu vực nào, tuyến đường nào trồng loại cây gì, tán cây cao hay thấp, đường rộng, đường hẹp phải trồng các loại cây khác nhau cho phù hợp.

Còn theo GS.TS Lê Đình Khả - nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp, việc thay thế cây phong lá đỏ tại hai tuyến đường trên đáng lẽ phải thực hiện từ lâu, đến nay cây chết khô mới thay là quá muộn, ảnh hưởng tới mỹ quan thành phố.

"Sai lầm lớn nhất của Hà Nội là chọn cây nhưng không trồng thử đã đưa vào trồng với số lượng lớn dù chưa hiểu biết gì về loài phong lá đỏ. Nguyên tắc lớn nhất của một loài cây khi đưa vào trồng là phải trồng thử trong 3-4 năm xem nó phát triển như thế nào. Mua cây giống thì đắt tiền, công chăm sóc lớn, bây giờ thay thế, quá lãng phí" - ông Khả cho hay.

Trồng bàng lá nhỏ vẫn chưa ổn?

Về việc trồng cây bàng lá nhỏ thay cho phong lá đỏ, GS.TS Lê Đình Khả đánh giá nếu trồng loài cây này thì khả năng thành công sẽ cao hơn, sinh trưởng tốt hơn, tuy nhiên bản thân ông vẫn muốn trồng những cây có nguồn gốc trong nước.

"Ví dụ như loài lá đỏ, tôi thấy có cây lộc vừng rất đẹp, mùa hè thì lá sẽ xanh tươi, tới mùa đông chuyển sang xuân, lộc vừng chuyển lá đỏ rất đẹp mắt, sau đó đâm chồi nảy lộc xanh tươi vào mùa xuân" - ông Khả chia sẻ.

Cây sau sau thường bị nhầm với phong lá đỏ ở khu Ngoại giao đoàn.

Còn chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường - Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp cho lời khuyên, Hà Nội nên trồng cây sau sau, là cây bản địa, cây tái sinh có sẵn tại nhiều khu rừng của Việt Nam.

"Trồng cây này vừa dễ kiếm, chi phí thấp lại rất đẹp, đẹp không kém gì phong lá đỏ của Hàn Quốc khi vào mùa rụng lá" - ông Cường nói.

Ông Cường lưu ý, Hà Nội là thành phố có mật độ dân số cao, tốc độ bê tông hóa nhanh, đất dành cho cây xanh, công viên rất ít, vì thế, cần phải lựa chọn những cây có tán, tạo bóng mát, không chỉ trồng cây làm cảnh.

Một số loại cây như cây sau sau, lát hoa, nhội... rất phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường của Hà Nội.

Cúc Phương(Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ha-noi-chuyen-phong-la-do-yeu-ot-tranh-chet-nong-3434099/