Hà Nội chuẩn bị gần 40 nghìn tỷ đồng hàng hóa phục vụ Tết

Sở Công thương Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 4497/KH-SCT về phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 trên địa bàn TP Hà Nội. Kế hoạch nhằm tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành, cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân, gắn với Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam', thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội tìm hiểu tình hình sản xuất, kinh doanh của các làng nghề ở Hà Nội.

Lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội tìm hiểu tình hình sản xuất, kinh doanh của các làng nghề ở Hà Nội.

Sở Công thương Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 4497/KH-SCT về phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 trên địa bàn TP Hà Nội. Kế hoạch nhằm tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành, cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân, gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Theo Sở Công thương Hà Nội, cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán 2021, hoạt động kinh doanh thương mại sẽ sôi động, nhu cầu mua sắm sẽ tăng từ 3 đến 20% theo từng nhóm hàng. Cụ thể, nhu cầu thực phẩm ba tháng trước Tết, trong và sau Tết Nguyên đán ước khoảng 292.500 tấn gạo, 56.700 tấn thịt lợn, 18.900 tấn thịt gà, 18.459 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 315 nghìn tấn rau củ, 15.750 tấn thủy hải sản, 18.114 tấn thực phẩm chế biến, 156 nghìn tấn trái cây... Ngoài ra, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng cần chuẩn bị đầy đủ nguồn cung các nhóm hàng có nhu cầu tăng trong dịp Tết Nguyên đán như: nông sản khô (nhu cầu tăng từ 25% đến 33% so với tháng thường); xăng dầu (nhu cầu tăng khoảng 20%); hoa, cây cảnh (nhu cầu tăng từ 25% đến 35%)... Ước tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Hà Nội khoảng 39.400 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020.

Sở Công thương Hà Nội đã tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, các làng nghề tập trung sản xuất, bảo đảm cao nhất nguồn cung ứng sản phẩm trên địa bàn; các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chú trọng xây dựng kế hoạch nhập khẩu các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết Nguyên đán để đáp ứng khi nguồn cung còn thiếu. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị này có các biện pháp tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa, làm tốt công tác thị trường, chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện tổ chức kinh doanh, bảo đảm phòng dịch… Cụ thể, sẽ tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 28 trung tâm thương mại, 142 siêu thị, 455 chợ và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi, chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm, các hộ kinh doanh trên địa bàn. Bên cạnh đó, sẽ triển khai tổ chức các điểm bán hàng phục vụ Tết; hội chợ hàng hóa nông sản thực phẩm, các điểm chợ hoa, cây cảnh phục vụ nhân dân trên địa bàn trong dịp Tết Nguyên đán 2021; 12 phiên chợ Việt; khoảng 300 chuyến bán hàng lưu động phục vụ Tết tại các huyện, khu công nghiệp, khu chế xuất, các xã miền núi…

Theo đánh giá, năm nay, do tác động của dịch Covid-19 và thiên tai đến nền kinh tế nói chung và thu nhập của người dân nói riêng, nhu cầu hàng hóa Tết sẽ tăng so với các tháng thường, nhưng mức tăng không lớn như mọi năm. Nguồn cung hàng hóa cũng khá phong phú do 10 tháng qua, tình hình sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn thuận lợi, nguồn cung thực phẩm thiết yếu dồi dào. Bên cạnh đó, Chính phủ và thành phố Hà Nội đã chủ động thực hiện các biện pháp tạo nguồn hàng, phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19, cho nên thị trường hàng hóa sẽ tương đối ổn định, khó xảy ra hiện tượng mất cân đối cung cầu.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, thời tiết còn nhiều bất ổn, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn còn nguy cơ bùng phát sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và nguồn cung hàng hóa. Do đó, Hà Nội vẫn tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn năm 2020 - 2021 và Chương trình dự trữ hàng hóa phòng, chống thiên tai để chủ động về nguồn hàng, góp phần ổn định thị trường trong dịp Tết, cũng như cung ứng cho người dân trong trường hợp xảy ra mưa, bão, úng ngập những tháng cuối năm 2020.

Đồng thời, Sở Công thương Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ Sở Công thương các tỉnh để chủ động nắm nguồn cung đối với các mặt hàng thiết yếu và sẵn sàng đưa nguồn cung về Hà Nội, đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong dịp Tết của nhân dân Thủ đô. Tiếp tục tổ chức, tham gia các hoạt động kết nối cung cầu với các tỉnh, thành phố như tổ chức hai tuần hàng trái cây nông sản của các tỉnh, thành phố tại Hà Nội; tổ chức đoàn tham gia hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản hàng hóa tại các tỉnh; tổ chức năm hội nghị, hoạt động kết nối giao thương - cung cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố; hỗ trợ các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức các tuần lễ trái cây, nông sản tại Hà Nội…

Trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, ngành công thương sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, để chủ động xây dựng các phương án hoặc kịp thời đề xuất các giải pháp vận chuyển, tổ chức điều chuyển hàng hóa tại những khu vực thị trường xảy ra biến động nhằm ổn định thị trường, giá cả; báo cáo thành phố xem xét hỗ trợ cho xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu của các doanh nghiệp tham gia Chương trình hoạt động 24 giờ trong ngày tại khu vực nội thành để luân chuyển hàng hóa kịp thời phục vụ nhân dân.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh, dù hiện nay Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch Covid-19, nhưng trong dịp Tết Nguyên đán 2021 cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch tại các điểm kinh doanh thu hút đông người dân tham gia. Do vậy, các doanh nghiệp trên địa bàn cần tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, vừa bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch. Trong đó, cần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19 theo phương án số 3435/PA-SCT ngày 3-8-2020 của Sở Công thương về bảo đảm nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân theo các cấp độ dịch, không để xảy ra khan hàng, thiếu hàng, tăng giá đột biến, gây bất ổn thị trường.

HÀ TRANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/ha-noi-chuan-bi-gan-40-nghin-ty-dong-hang-hoa-phuc-vu-tet-623126/